1. Cấp thiết hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Ngày 30/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 111/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022, trong đó việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 cần quán triệt như sau:
Cụ thể, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống nhân dân;
Nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai tiếp tục quán triệt các quan điểm, yêu cầu sau:
Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao;
Kế thừa hiệu quả các quy định hiện hành, kiên quyết tháo gỡ nút thắt trong quản lý, sử dụng đất, tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng; giảm tối đa thủ tục hành chính;
Thứ hai, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là sửa đổi toàn diện có tác động đến nhiều Luật khác trong hệ thống pháp luật;…
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động, phát huy trách nhiệm trong phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của từng địa phương gắn với trách nhiệm, thẩm quyền được giao;…
Xem chi tiết tại Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 30/8/2022.
2. Tự ý ghi âm, chụp ảnh HĐXX, người tham gia xét xử có thể bị phạt đến 15 triệu đồng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Theo đó, phạt tiền từ 07 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với các hành vi sau:.
- Hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa;
- Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính sẽ bị phạt tiền từ 07 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
- Không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự;
- Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào phòng xử án;
- Mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy hoặc chất độc vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa;
Ngoài ra, hình thức xử phạt tiền hành vi tự ý ghi âm, chụp ảnh HĐXX, người tham gia xét xử có thể bị:
+ Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh, số lợi bất hợp pháp.
Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/9/2022
3. Kỳ báo cáo biểu mẫu thống kê về đăng ký doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư ban hành Thông tư 19/2022/TT-BKHĐT ngày 30/8/2022 về Kỳ báo cáo biểu mẫu thống kê về đăng ký doanh nghiệp, trong đó kỳ báo cáo được ghi ở phần giữa của từng biểu mẫu báo cáo và được tính theo ngày dương lịch, bao gồm:
- Báo cáo thống kê tháng được tính từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng báo cáo;
- Báo cáo thống kê quý được tính từ ngày 01 của tháng đầu tiên đến hết ngày cuối cùng của tháng thứ ba của kỳ báo cáo;
- Báo cáo thống kê 6 tháng được tính từ ngày 01 của tháng đầu tiên đến hết ngày cuối cùng của tháng thứ sáu của kỳ báo cáo;
- Báo cáo thống kê năm được tính từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 của kỳ báo cáo;
- Báo cáo đột xuất:
Báo cáo thống kê trong trường hợp khi có sự vật, hiện tượng đột xuất xảy ra hoặc khi có yêu cầu phục vụ công tác điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Báo cáo thống kê khác:
Báo thống kê có kỳ báo cáo và thời hạn báo cáo được ghi cụ thể trong từng biểu mẫu báo cáo.
Thông tư 19/2022/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/10/2022.
4. Quy định về cấp lại, cấp đổi Chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh
Ngày 30/8/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Thông tư 15/2022/TT-BLĐTBXH quy định về việc quản lý chứng chỉ GDQP và an ninh như sau:
Cụ thể, trường hợp cấp lại Chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninhnhư sau:
- Trường hợp bản chính Chứng chỉ bị mất hoặc hư hỏng mà không sử dụng được, nếu sinh viên đã được cấp Chứng chỉ có yêu cầu thì được cấp lại Chứng chỉ.
Trường hợp Chứng chỉ hư hỏng mà không sử dụng được, khi cấp lại, sinh viên phải nộp lại Chứng chỉ đã cấp.
Chứng chỉ được cấp lại có ghi “Cấp lại” tại mặt sau và cột ghi chú của Sổ cấp Chứng chỉ có ghi “Cấp lại”. Chứng chỉ được cấp lại có giá trị như bản chính;
Bên cạnh đó, trường hợp cấp đổi Chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninhnhư sau:
- Trường hợp Chứng chỉ đã cấp nhưng phát hiện bị viết sai, in sai hoặc sinh viên được cấp Chứng chỉ được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc xác nhận việc thay đổi hoặc cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch theo quy định của pháp luật, nếu sinh viên đã được cấp Chứng chỉ có yêu cầu thì được cấp đổi Chứng chỉ.
Khi cấp đổi, sinh viên được cấp phải nộp lại Chứng chỉ đã cấp.
Chứng chỉ được cấp đổi có ghi “Cấp đổi” tại mặt sau và cột ghi chú của Sổ cấp Chứng chỉ có ghi “Cấp đổi”. Chứng chỉ được cấp đổi có giá trị như bản chính;
Thông tư 15/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/10/2022.