Ngày 01/01/2025, Chính phủ Nghị định 01/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó bổ sung thêm quy định về quyền kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo đó, quyền kinh doanh xuất khẩu gạo được quy định như sau:
- Thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định 107/2018 và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Thương nhân là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận và thực hiện hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018; các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và cam kết của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ được ủy thác xuất khẩu hoặc nhận ủy thác xuất khẩu từ thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. (Nội dung bổ sung)
Nghị định 01/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/3/2025.
Ngày 06/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ ngày ký).
Trong đó, sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 25 Nghị định 08/2022/NĐ-CP (liên quan đến việc xác định dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường 2020) như sau:
- Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 08/2022 có địa điểm thực hiện nằm trên: Phường của đô thị đặc biệt, đô thị loại I, II, III và loại IV theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị, trừ dự án có đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định mà không phát sinh bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý;
- Dự án có xả nước thải vào nguồn nước mặt được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường 2020 hoặc trường hợp dự án có đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định;
- Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp hoặc thủy sản, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất có rừng tự nhiên theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo quy định của pháp luật về thuỷ sản, vùng đất ngập nước quan trọng, khu dự trữ sinh quyển, di sản thiên nhiên thế giới và thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d cột (3) số thứ tự 7a Phụ lục III Nghị định 08/2022 (trừ dự án đầu tư xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt chỉ có một hoặc các mục tiêu: Phục vụ quản lý bảo vệ rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng cháy, chữa cháy rừng; lâm sinh);
- Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước của khu di sản thế giới, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa (trừ dự án đầu tư xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau: Dự án chỉ có một hoặc các mục tiêu: Bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án nhằm phục vụ việc quản lý, vệ sinh môi trường, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án bảo trì, duy tu bảo đảm an toàn giao thông);
- Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với diện tích đất chuyển đổi quy định tại cột (3) số thứ tự 7c Phụ lục III Nghị định 08/2022; dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển, vùng đất ngập nước quan trọng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất có rừng tự nhiên và thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d cột (3) số thứ tự 7b Phụ lục III Nghị định 08/2022 (trừ dự án đầu tư xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt chỉ có một hoặc các mục tiêu: Phục vụ quản lý, bảo vệ rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng cháy, chữa cháy rừng; lâm sinh);
- Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư và pháp luật về xây dựng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 58/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 14/02/2025.
Trong đó, quy định giám định tiền giả, tiền nghi giả của Ngân hàng Nhà nước như sau:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả phải lập 01 bộ hồ sơ đề nghị giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 87/2023/NĐ-CP và nộp trực tiếp đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh hoặc Sở Giao dịch hoặc Cục Phát hành và Kho quỹ (tại thành phố Hà Nội), Chi cục Phát hành và Kho quỹ (tại thành phố Hồ Chí Minh).
- Khi nhận được hồ sơ đề nghị giám định theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc từ ngày tạm thu giữ tiền nghi giả theo quy định tại khoản 1 Điều 6, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, Cục Phát hành và Kho quỹ, Chi cục Phát hành và Kho quỹ phải tổ chức giám định. Thời gian thực hiện giám định theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 87/2023/NĐ-CP .
Trong thời gian tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành giám định, cơ quan giám định thông báo kết quả giám định bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị giám định.
Việc giám định được thực hiện miễn phí.
- Trường hợp không kết luận được tiền thật hay tiền giả, chậm nhất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được tiền giả, tiền nghi giả cần giám định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch có văn bản đề nghị và chuyển số tiền giả, tiền nghi giả này về Cục Phát hành và Kho quỹ hoặc Chi cục Phát hành và Kho quỹ để giám định; đồng thời thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu tại khoản 1 Điều 10 hoặc khoản 1 Điều 6 Thông tư 58/2024/TT-NHNN hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nêu tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 58/2024/TT-NHNN để biết.
Phương thức vận chuyển tiền giả, tiền nghi giả cần giám định do Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch quyết định, đảm bảo an toàn, thuận tiện.
Trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giám định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch phải thông báo kết quả giám định bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định biết.
Nội dung được bổ sung tại Nghị định 06/2025/NĐ-CP ngày 08/01/2025 sửa đổi sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về nuôi con nuôi.
Theo đó, bổ sung quy định về thông báo tình hình phát triển của con nuôi như sau:
- Trường hợp cha, mẹ nuôi thay đổi nơi thường trú khi chưa hết thời hạn phải thông báo tình hình phát triển của con nuôi, cha, mẹ nuôi có trách nhiệm tiếp tục thông báo tình hình phát triển của con nuôi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi chuyển đến cho đến khi hết thời hạn thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Nuôi con nuôi.
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha, mẹ nuôi chuyển đến có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Nuôi con nuôi.
Nghị định 06/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành.