Ngày 09/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Theo đó, trong vòng 90 ngày kể từ ngày 25/12/2024, các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam thì sẽ xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Trường hợp người sử dụng dịch vụ sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội thì cha mẹ hoặc người giám hộ đăng ký bằng thông tin của mình và phải giám sát, quản lý nội dung mà trẻ em đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội.
Ngày 12/11/2024, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 148/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Theo đó, thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Việc phân cấp, ủy quyền thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.
Ngày 12/11/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 71/2024/TT-BCA quy định quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Theo đó, hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe, bao gồm: dữ liệu định danh, dữ liệu hành trình, dữ liệu hình ảnh người lái xe; cụ thể:
- Dữ liệu định danh, bao gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải, mã số thuế, tên cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải, biển số xe, số người được phép chở của phương tiện hoặc tải trọng cho phép phương tiện tham gia giao thông đường bộ, loại hình kinh doanh;
- Dữ liệu hành trình, bao gồm: biển số xe, số giấy phép lái xe, tốc độ, thời gian, tọa độ và các thông tin này được cập nhật liên tục;
- Dữ liệu hình ảnh người lái xe, bao gồm: biển số xe, số giấy phép lái xe, tốc độ, thời gian, tọa độ, hình ảnh người lái xe và các thông tin này được cập nhật liên tục.
Dữ liệu hành trình, dữ liệu hình ảnh người lái xe từ máy chủ dịch vụ được truyền theo cấu trúc bản tin quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư 71/2024/TT-BCA về máy chủ của Cục Cảnh sát giao thông trong thời gian không quá 02 phút đối với dữ liệu hành trình, không quá 05 phút đối với dữ liệu hình ảnh người lái xe, kể từ thời điểm máy chủ dịch vụ nhận được dữ liệu.
Trường hợp đường truyền bị gián đoạn, chậm nhất trong thời hạn không quá 05 ngày phải gửi đồng thời dữ liệu cũ và dữ liệu hiện tại khi đường truyền hoạt động bình thường và phải có sự chấp thuận của Cục Cảnh sát giao thông.
Dữ liệu cũ được truyền theo một kênh truyền riêng, độc lập với kênh truyền dữ liệu hiện tại. Sau khi hết thời hạn truyền lại dữ liệu cũ, hệ thống sẽ thực hiện tính toán lại toàn bộ các thông số.
Máy chủ dịch vụ và máy chủ của Cục Cảnh sát giao thông tham gia việc truyền, nhận dữ liệu hành trình, dữ liệu hình ảnh người lái xe phải được đồng bộ hóa với thời gian chuẩn quốc gia theo chuẩn NTP (Network Time Protocol).
Ngày 31/10/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 11/2024/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xếp hạng một số loại hình đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Theo đó, phương pháp tính điểm như sau:
- Tính điểm theo từng tiêu chí cụ thể trong Bảng tiêu chí và điểm xếp hạng ban hành kèm theo Thông tư 11/2024/TT-BLĐTBXH, không vận dụng điểm trung gian, không tính điểm khi các số liệu chưa hoàn chỉnh;
- Việc xem xét hồ sơ đề nghị xếp hạng căn cứ các tài liệu, số liệu thống kê minh chứng các tiêu chí và kiểm tra thực tế tại đơn vị (lấy số liệu của 02 năm trước liền kề năm đề nghị xếp hạng và các tài liệu kế hoạch thực hiện của năm đề nghị xếp hạng, trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh thì việc cung cấp số liệu do cấp có thẩm quyền công nhận xếp hạng xem xét, quyết định; minh chứng tiêu chí đề tài nghiên cứu khoa học lấy số liệu trong thời gian giữ hạng đơn vị).
Cụ thể, điểm số của từng hạng được quy định như sau:
- Điểm từ 90 đến 100 xếp hạng I.
- Từ 70 đến dưới 90 điểm xếp hạng II.
- Từ 50 đến dưới 70 điểm xếp hạng III.
- Dưới 50 điểm xếp hạng IV.