1. 06 nhóm đối tượng cần thận trọng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19
Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 3802/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Theo đó, các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng trước khi tiêm vắc xin gồm:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác;
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính;
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi;
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu;
- Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần;
- Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:
+ Nhiệt độ <35,5°C và >37,5°C;
+ Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút;
+ Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế);
+ Nhịp thở > 25 lần/phút.
Quyết định 3802/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 10/8/2021.
2. Hỗ trợ 05 triệu đồng/người cho đoàn viên công đoàn bị tử vong do Covid-19
Quyết định 3022/QĐ-TLĐ ngày 09/8/2021 sửa đổi Quyết định 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, bổ sung trường hợp đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn được hỗ trợ như sau:
- Đã di chuyển từ các tỉnh phía Nam về quê kể từ ngày 01/8/2021, phải thực hiện đúng yêu cầu cách ly y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, có hoàn cảnh khó khăn thì:
Được liên đoàn lao động tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận người trở về xem xét hỗ trợ tối đa là 500.000 đồng/người.
- Nếu tử vong do bị nhiễm vi rút Sars-Co-2 kể từ ngày 27/4/2021 được hỗ trợ 5.000.000 đồng/người (không bao gồm các khoản đã hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động tại các khoản 2, 3, 4, 5, 5b, 6 Điều 1 Quyết định 2606).
Quyết định 3022/QĐ-TLĐ có hiệu lực từ ngày 09/8/2021.
3. Quốc hội sẽ thông qua 09 Luật mới trong năm 2022
Quốc hội thông qua Nghị quyết 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Theo đó, trong năm 2022, dự kiến trình Quốc hội thông qua 09 Luật mới tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), gồm:
- Luật Cảnh sát cơ động;
- Luật Điện ảnh (sửa đổi);
- Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi);
- Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ;
- Luật Dầu khí (sửa đổi);
- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi);
- Luật Thanh tra (sửa đổi);
- Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Nghị quyết 17/2021/QH15 được thông qua ngày 27/7/2021.
4. Giảm một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y từ ngày 06/8/2021
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, mức thu một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được quy định như sau:
- Lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất (gồm kho ngoại quan), chuyển cửa khẩu là: 20.000 đồng/lần;
- Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y là: 25.000 đồng/lần;
- Phí kiểm dịch động vật đối với hoạt động kiểm tra lâm sàng gia cầm là: 17.500 đồng/xe ô tô hoặc xe chuyên dụng.
Mức thu trên áp dụng kể từ ngày 06/8/2021 đến hết ngày 31/12/2021; kể từ ngày 01/01/2022 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí nêu trên thực hiện theo quy định tại Thông tư 101/2020/TT-BTC ngày 23/11/2020.
Thông tư 68/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 06/8/2021 đến hết ngày 31/12/2021.