1. Tiếp tục kéo dài miễn, giảm lãi vay cho khách hàng đến 30/6/2022
Đây là nội dung tại Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng Covid-19.
Theo đó, việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng đáp ứng đồng thời các điều kiện như sau:
- Áp dụng với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng nhưng không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ việc mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
- Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán phải nằm trong khoảng thời gian từ 23/01/2021 - 30/6/2022.
- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh thu, thu nhập của khách hàng bị giảm.
(Trước đó, tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí đến ngày 31/12/2021).
Thông tư 14/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 07/9/2021.
2. Hướng dẫn dự toán gói thầu tư vấn xây dựng
Ngày 31/8/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 11/2021/TT-BXD về việc hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Theo đó, dự toán gói thầu tư vấn xây dựng (các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP) bao gồm các chi phí sau:
- Chi phí tư vấn trong dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng xác định theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư 11/2021/TT-BXD .
- Căn cứ điều kiện cụ thể, dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng được bổ sung thêm một hoặc một số chi phí khác có liên quan để thực hiện các công việc thuộc phạm vi của gói thầu.
- Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện gói thầu.
Thông tư 11/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.
3. Những đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng vắc xin Covid-19
Ngày 10/9/2021, Bộ Y tế có Quyết định 4355/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Theo đó, các đối tượng phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng khi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 bao gồm:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính.
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
- Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần.
- Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:
+ Nhiệt độ <35,5°C và >37,5°C.
+ Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút.
+ Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc >140 mmHg hoặc cao hơn 30mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp hoặc đang điều trị và có hồ sơ y tế).
+ Nhịp thở > 25 lần/phút.
Quyết định 4355/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày ký ban hành và bãi bỏ Quyết định 3802/QĐ-BYT ngày 10/8/2021.
4. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19
Ngày 09/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo đó, để hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Chính phủ giao Bộ Tài chính:
- Khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành;
- Triển khai chính sách thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 sau khi được Chính phủ thông qua;
- Xem xét, nghiên cứu tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021;
- Nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch COVID-19.
Xem chi tiết tại Nghị quyết 105/NQ-CP ban hành ngày 09/9/2021.