Đây là nội dung tại Thông tư 13/2023/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 49/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng và sửa đổi Thông tư 80/2021/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 14/4/2023.
Theo đó, sửa đổi hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như sau:
Đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP: Bản sao một trong các hình thức Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận về kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Hiện nay, hồ sơ trong trường hợp này bao gồm:
- Bản sao Giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
- Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định 209/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 100/2016/NĐ-CP).
Đây là nội dung tại Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên.
Theo đó, quy định về tổ chức lớp học trong trường chuyên như sau:
- Lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học (sau đây gọi chung là lớp chuyên).
- Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. (Quy định mới bổ sung)
- Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.
- Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trường chuyên quyết định số môn học được tổ chức lớp chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.
Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2023 và thay thế Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT.
Ngày 03/3/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2023/TT-BXD hướng dẫn nội dung về hợp đồng xây dựng.
Trong đó, hướng dẫn điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng từ 20/4/2023 như sau:
- Việc điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 39 Nghị định 37/2015/NĐ-CP.
- Khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng xây dựng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 39 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, Bên giao thầu và Bên nhận thầu có trách nhiệm đánh giá tác động của các sự kiện bất khả kháng đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng để xác định, quyết định điều chỉnh cho phù hợp.
Trường hợp tạm dừng thực hiện công việc theo yêu cầu của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 39 Nghị định 37/2015/NĐ-CP cần thực hiện các công việc sau:
+ Bên giao thầu, Bên nhận thầu căn cứ yêu cầu tạm dừng của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đánh giá tác động đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng làm cơ sở xác định, thỏa thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng.
+ Trường hợp phát sinh chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng thì Bên giao thầu, Bên nhận thầu căn cứ nội dung hợp đồng, hướng dẫn của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự kiện dẫn đến tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng làm cơ sở xác định, thỏa thuận về các khoản mục chi phí phát sinh hợp lý.
Thông tư 02/2023/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ 20/4/2023 và thay thế Thông tư 07/2016/TT-BXD , Thông tư 08/2016/TT-BXD , Thông tư 09/2016/TT-BXD và Thông tư 30/2016/TT-BXD .
Ngày 21/02/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 01/2023/TT-BVHTTDL sửa đổi Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao, có hiệu lực từ ngày 15/4/2023.
Theo đó, hành vi vi phạm Bộ luật phòng, chống doping thế giới bao gồm:
- Có chất bị cấm hoặc các chất chuyển hóa hoặc các dấu vết của chất bị cấm trong mẫu xét nghiệm của vận động viên.
- Sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.
- Lảng tránh, từ chối hoặc bỏ lỡ việc lấy mẫu thử mà không phải vì lý do bất khả kháng sau khi có thông báo.
- Vi phạm các yêu cầu liên quan đến sự có mặt của vận động viên để kiểm tra doping ngoài thi đấu.
- Làm sai lệch hoặc gây cản trở đối với bất kỳ công đoạn nào của việc kiểm tra doping.
- Sở hữu chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.
- Buôn bán chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.
- Cho vận động viên uống, sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm trong thi đấu hoặc ngoài thi đấu; hỗ trợ, khuyến khích, giúp sức, sai khiến, bao che hoặc dính líu đến bất kỳ hành vi đồng lõa nào khác vi phạm quy định về phòng, chống doping.
- Đồng lõa, bao che cho một hoặc nhiều hành vi trên.
- Vận động viên có liên hệ về chuyên môn thể dục thể thao với huấn luyện viên, người hướng dẫn, bác sĩ hoặc bất kỳ ai đang trong thời gian bị kỷ luật do vi phạm quy định về phòng, chống doping.
- Kỳ thị, trù dập người tố cáo hành vi vi phạm doping. (Hành vi mới bổ sung)