Các nguồn thu tài chính công đoàn theo Luật Công đoàn 2012

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
13/05/2024 10:30 AM

Cho tôi hỏi các nguồn thu tài chính công đoàn theo Luật Công đoàn 2012 hiện nay gồm những nguồn nào? - Tú Anh (Hậu Giang)

Các nguồn thu tài chính công đoàn theo Luật Công đoàn 2012

Các nguồn thu tài chính công đoàn theo Luật Công đoàn 2012 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các nguồn thu tài chính công đoàn theo Luật Công đoàn 2012

Theo Điều 26 Luật Công đoàn 2012 thì tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:

- Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

- Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;

- Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;

- Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

2. Các nguồn thu tài chính công đoàn tại công đoàn cơ sở

Các nguồn thu tài chính công đoàn tại công đoàn cơ sở theo Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 4290/QĐ-TLĐ năm 2022 như sau:

* Thu đoàn phí công đoàn

- Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng.

- Phương thức thu đoàn phí công đoàn thực hiện theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn.

* Thu kinh phí công đoàn

- Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng theo quy định của Pháp luật và Quyết định của Tổng Liên đoàn.

- Phương thức thu kinh phí công đoàn thực hiện theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Tổng Liên đoàn.

* Thu khác

Nguồn thu khác thực hiện theo khoản 4 Điều 26 Luật Công đoàn 2012 và theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Tổng Liên đoàn, bao gồm.

- Kinh phí do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cấp mua sắm phương tiện hoạt động công đoàn, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho công đoàn cơ sở; kinh phí tổ chức các hoạt động phối hợp như: tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan du lịch, khen thưởng, phúc lợi... của cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân, lao động (sau đây gọi chung là đoàn viên công đoàn và người lao động) và một số hoạt động nhằm động viên, khen thưởng con đoàn viên công đoàn và người lao động; hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước cho công đoàn cơ sở.

- Thu từ hoạt động văn hóa, thể thao; nhượng bán, thanh lý tài sản; thu lãi tiền gửi, cổ tức; thu từ các hoạt động kinh tế, dịch vụ của công đoàn cơ sở…

3. Quy định về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn

Quy định về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo Điều 27 Luật Công đoàn 2012 như sau:

- Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Tài chính công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ sau đây:

+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;

+ Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

+ Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh;

+ Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động;

+ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn;

+ Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động;

+ Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;

+ Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;

+ Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;

+ Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;

+ Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp;

+ Các nhiệm vụ chi khác.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 548

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn