Doanh nghiệp nào bắt buộc trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
17/01/2024 09:00 AM

Xin hỏi doanh nghiệp nào bắt buộc trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ? - Quỳnh Chi (Quảng Bình)

Doanh nghiệp bắt buộc trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ

Căn cứ Điều 63 Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 quy định về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp như sau:

- Doanh nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của mình hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của ngành, địa phương và được hưởng quyền lợi theo quy định của Quỹ.

- Doanh nghiệp nhà nước phải trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ trích thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để thành lập quỹ và cơ chế quản lý, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước.

- Doanh nghiệp có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích thành lập quỹ và thông báo việc thành lập quỹ cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ địa phương nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp.

Như vậy: Căn cứ quy định nêu trên thì doanh nghiệp nhà nước là đối tượng doanh nghiệp bắt buộc phải trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; còn đối với các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước thì không bắt buộc phải trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, nhưng nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ để huy động nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ.

Mức trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ bắt buộc

Căn cứ Khoản 1 Điều 9 Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bắt buộc trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ

Doanh nghiệp bắt buộc trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ (Hình từ internet)

Nội dung chi hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

Căn cứ Điều 4 Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn nội dung chi hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp như sau:

(1) Trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: Xây dựng các tổ chức nghiên cứu phát triển, trung tâm phân tích, kiểm nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm sản phẩm; hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp và thống kê về hoạt động khoa học và công nghệ; chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ; chi khác phục vụ phát triển khoa học và công nghệ; các hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 10 Nghị định 95/2014/NĐ-CP.

Việc trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư; pháp luật về xây dựng; pháp luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

(2) Mua quyền sử dụng, quyền sở hữu: Bí quyết công nghệ; kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; giống cây trồng; kiểu dáng công nghiệp; sáng kiến; các tài liệu, kết quả nghiên cứu, sản phẩm có liên quan trong nước và nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 10 Nghị định 95/2014/NĐ-CP.

Việc mua quyền sử dụng, quyền sở hữu các công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 76/2018/NĐ-CP chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép chuyển giao công nghệ theo quy định tại Điều 28, Điều 29 và Điều 30 Luật Chuyển giao công nghệ 2017.

Việc xác định giá và phương thức thanh toán khi mua quyền sử dụng, quyền sở hữu liên quan đến chuyển giao công nghệ được thực hiện theo quy định của Điều 4 Nghị định 76/2018/NĐ-CP.

Các chi phí phát sinh liên quan trực tiếp trong quá trình mua quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng quy định này được tính vào giá trị quyền sử dụng, quyền sở hữu của các đối tượng đó.

(3) Mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc cải tiến phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp.

Mua nguyên vật liệu thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 43/2022/QH15.

Việc mua máy móc, thiết bị tại khoản này thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư; pháp luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

(4) Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 10 Nghị định 95/2014/NĐ-CP.

(5) Chi đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

* Hoạt động đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được thực hiện theo các nội dung và hình thức đào tạo, bồi dưỡng theo quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 10 Nghị định 95/2014/NĐ-CP như sau:

- Đào tạo theo nhóm nghiên cứu;

- Đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ;

- Nghiên cứu sau đại học;

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng quản lý khoa học và công nghệ, năng suất chất lượng và quản trị doanh nghiệp.

* Việc đào tạo, bồi dưỡng thực hiện thông qua các hình thức ngắn hạn, dài hạn ở trong nước và ngoài nước; thực tập, làm việc ở các cơ sở nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp và tập đoàn trong nước và ngoài nước; tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

* Căn cứ vào chiến lược, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp đã được phê duyệt, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và phê duyệt kế hoạch đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ và dự toán cho hoạt động đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ hàng năm của doanh nghiệp.

(6) Chi cho hoạt động sáng kiến

- Hoạt động sáng kiến được thực hiện theo quy định tại Điều lệ Sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP;

- Việc chi cho hoạt động sáng kiến thực hiện theo quy định tại Thông tư 03/2019/TT-BTC.

(7) Chi cho hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài: Hoạt động khảo sát, tìm kiếm đối tác, nhu cầu công nghệ trong nước và ngoài nước; chi phí cho các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung theo lĩnh vực khoa học và công nghệ được nhà nước khuyến khích, ưu tiên theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 10 Nghị định 95/2014/NĐ-CP.

(8) Chi cho đánh giá, thử nghiệm, giám định, kiểm định, quảng bá, thương mại hóa sản phẩm mới, công nghệ mới; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điểm h Khoản 3 Điều 10 Nghị định 95/2014/NĐ-CP được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

(9) Chi tài trợ, hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” theo quy định tại Thông tư 45/2019/TT-BTC.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,274

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn