Hướng dẫn xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
08/11/2024 18:00 PM

Bài viết sau có nội dung về việc xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến được quy định trong Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP.

Hướng dẫn xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến

Hướng dẫn xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP thì việc xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến được thực hiện như sau:

- Đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường thì trong thời hạn chậm nhất 07 ngày, trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải xem xét giải quyết như sau:

+ Đánh giá vụ án có thuộc hay không thuộc trường hợp được tổ chức phiên tòa trực tuyến quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 33/2021/QH15 năm 2021 của Quốc hội;

Điều 1. Phiên tòa trực tuyến

1. Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp sau đây:

a) Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước;

b) Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự;

c) Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.”

+ Đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP;

+ Đối với vụ án hình sự thì phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có ý kiến về việc mở phiên tòa trực tuyến;

+ Đối với vụ án hình sự, dân sự, hành chính mà có đương sự, bị hại tham gia tố tụng nhận là đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý và không đủ điều kiện kỹ thuật, công nghệ tham gia phiên tòa trực tuyến, thì Tòa án giải thích cho đương sự, bị hại biết họ có quyền đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước xem xét, thụ lý vụ việc và hỗ trợ việc tham gia phiên tòa trực tuyến đồng thời thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước biết để liên hệ.

- Đối với vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn, thì trong thời hạn chậm nhất 02 ngày, trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải xem xét giải quyết như sau:

+ Đánh giá vụ án có thuộc hoặc không thuộc trường hợp được tổ chức phiên tòa trực tuyến quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 33/2021/QH15 năm 2021 của Quốc hội;

+ Đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP;

+ Đối với vụ án hình sự thì phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có ý kiến về việc mở phiên tòa trực tuyến.

- Việc mở phiên tòa trực tuyến phải được ghi rõ trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử về điểm cầu trung tâm và số lượng điểm cầu thành phần.

2. Nguyên tắc bố trí phòng xử án

Phòng xử án được bố trí theo các nguyên tắc được quy định cụ thể tại Điều 3 Thông tư 01/2017/TT-TANDTC bao gồm:

- Phòng xử án phải được bố trí trang nghiêm, bảo đảm an ninh, trật tự phiên tòa.

- Việc bố trí phòng xử án phải thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử; bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

- Việc bố trí phòng xử án phải phù hợp với yêu cầu xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử của Tòa án.

- Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 274

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]