Quy định mới về chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn theo Nghị định 23/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 21/2/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 23/2025/NĐ-CP quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 23/2025/NĐ-CP thì chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn được quy định như sau:
- Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn phải đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2023.
+ Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu;
+ Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chuyên dùng chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận;
+ Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chuyên dùng chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký;
+ Hiệu lực của chữ ký điện tử chuyên dùng có thể được kiểm tra theo điều kiện do các bên tham gia thỏa thuận.
Chữ ký điện tử chuyên dùng được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức tạo lập được xem là đáp ứng đủ các yêu cầu tại khoản 2 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2023.
- Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức đó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bao gồm:
+ Hoạt động nội bộ của cơ quan, tổ chức tạo lập;
+ Hoạt động chuyên ngành hoặc lĩnh vực, có cùng tính chất hoạt động hoặc mục đích công việc và được liên kết với nhau thông qua điều lệ hoạt động hoặc văn bản quy định về cơ cấu tổ chức, hình thức liên kết, hoạt động chung;
+ Hoạt động đại diện cho chính cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn để giao dịch với tổ chức, cá nhân khác.
- Cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 23/2025/NĐ-CP.
Trên đây là phần nội dung về “Quy định mới về chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn theo Nghị định 23/2025”
Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử được quy định cụ thể tại Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2023 như sau:
- Chữ ký điện tử không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì được thể hiện dưới dạng chữ ký điện tử.
- Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số có giá trị pháp lý tương đương chữ ký của cá nhân đó trong văn bản giấy.
- Trường hợp pháp luật quy định văn bản phải được cơ quan, tổ chức xác nhận thì yêu cầu đó được xem là đáp ứng đối với một thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số của cơ quan, tổ chức đó.
Xem thêm Nghị định 23/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2025.
Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử 2023 về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định 48/2024/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 130/2018/NĐ-CP) hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 23/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 47 Nghị định 23/2025/NĐ-CP.