Đã có Nghị định 24/2025 sửa Nghị định 98/2020 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại (Hình từ Internet)
Ngày 21/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm.
Nghị định 24/2025/NĐ-CP
Theo đó, tại Nghị định 24/2025/NĐ-CP thì chính phủ đã bổ sung thêm mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương bao gồm:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây đối với người tiêu dùng dễ bị tổn thương:
+ Không ưu tiên tiếp nhận, xử lý hoặc chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba không có nghĩa vụ liên quan giải quyết khi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu được bảo vệ kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương và về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm;
+ Từ chối giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhưng không trả lời bằng văn bản hoặc văn bản từ chối giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương không nêu căn cứ pháp lý và sự không phù hợp với nội dung chính sách đã công bố theo quy định;
+ Không bảo đảm việc thực hiện quyền của người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật;
+ Không áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương;
+ Từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán;
+ Không xây dựng hoặc không ban hành trình tự, thủ tục, phương thức hoặc biện pháp phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương để bảo đảm quyền khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp và các quyền khác của người tiêu dùng dễ bị tổn thương;
+ Không xây dựng, không cập nhật hoặc không công khai cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương các nội dung, cơ chế, chính sách áp dụng với người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo quy định hoặc không đào tạo, tập huấn cho người lao động của mình về các nội dung, cơ chế, chính sách đó theo quy định.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người tiêu dùng dễ bị tổn thương hoặc lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch.
Ngoài ra,tại Nghị định 24/2025/NĐ-CP còn bổ xung thêm mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà mình bán, cung cấp cho người tiêu dùng.
+ Không đổi hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc không trả lại tiền và nhận lại hàng hóa từ người tiêu dùng trong trường hợp hàng hóa do mình bán, cung cấp không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng hoặc công dụng như thông tin mà mình cung cấp.
+ Không chấp hành quyết định thu hồi sản phẩm, hàng hóa trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa do mình bán, cung cấp thuộc diện phải thu hồi hoặc không thanh toán chi phí để tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa phải tiêu hủy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Xem thêm tại Nghị định 24/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 21/02/2025.