Ai được thực hiện trợ giúp pháp lý?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
18/05/2023 19:05 PM

Ai được thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo? Người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ gì? – Hải Long (Bình Phước)

Ai được thực hiện trợ giúp pháp lý?

Ai được thực hiện trợ giúp pháp lý? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ai được thực hiện trợ giúp pháp lý?

Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:

- Trợ giúp viên pháp lý;

- Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

- Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

- Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Sở Tư pháp công bố danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

(Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý 2017)

2. Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý

- Người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:

+ Thực hiện trợ giúp pháp lý;

+ Được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật;

+ Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25, khoản 1 Điều 37 của Luật này và theo quy định của pháp luật về tố tụng;

+ Được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;

+ Bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;

+ Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý;

+ Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý;

+ Bồi thường hoặc hoàn trả một khoản tiền cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã trả cho người bị thiệt hại do lỗi của mình gây ra khi thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

- Trợ giúp viên pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:

+ Có quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý;

+ Tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;

+ Thực hiện nhiệm vụ khác theo phân công;

+ Được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

- Luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được hưởng thù lao và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định.

(Điều 18 Luật Trợ giúp pháp lý 2017)

3. Trường hợp không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý

Theo khoản 1 Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, người thực hiện trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, trừ trường hợp đã chấp hành xong hình thức xử lý vi phạm và được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017;

- Bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật;

- Các trường hợp không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng.

4. Trường hợp phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý

Theo khoản 2 Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là các bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác đối với vụ việc tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng trong lĩnh vực dân sự;

- Có căn cứ cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách quan trong thực hiện trợ giúp pháp lý;

- Có lý do cho thấy không thể thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý một cách hiệu quả, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,463

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn