Sử dụng tiền giả bị xử lý như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/04/2022 08:41 AM

Tiền giả đang là vấn nạn của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Việc sử dụng tiền giả bị pháp luật nghiêm trị. Ở Việt Nam, vấn đề này được pháp luật quy định như thế nào?

Sử dụng tiền giả bị xử lý như thế nào?

Sử dụng tiền giả bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)

1. Tiền giả là gì?

Theo Điều 17 Luật Ngân hàng nhà Nước Việt Nam 2010 quy định:

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, tiền giả là loại tiền không do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.

Các hành vi như làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả;... bị pháp luật nghiêm cấm (Điều 23 Luật Ngân hàng nhà Nước Việt Nam 2010).

2. Khái niệm lưu hành tiền giả

Lưu hành tiền giả là  hành vi đưa tiền giả sử dụng rộng rãi từ người này qua người khác, từ nơi này sang nơi khác trong xã hội. Ví dụ: dùng tiền giả để mua bán xăng, thực phẩm,…

3. Sử dụng tiền giả bị xử lý thế nào?

Vì sử dụng tiền giả thuộc vào hoạt động lưu hành tiền giả nên bị xử phạt theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 như sau

- Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Sử dụng tiền giả mà không biết có bị xử lý không?

Việc chứng minh một người sử dụng tiền giả có lỗi hay không có lỗi thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Tại Điều 10 và Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về cố ý phạm tội và vô ý phạm tội như sau:

- Cố ý phạm tội:

+ Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

+ Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

 - Vô ý phạm tội:

+ Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

+ Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Như vậy, nếu hành vi phạm tội với lỗi cố ý hoặc vô ý thì có thể chịu TNHS nêu tại mục 3.

Ngược lại, nếu không có lỗi khi thực hiện hành vi này thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Văn Thông

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,097

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn