Quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng từ 05/01/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
08/11/2024 17:45 PM

Tại Nghị định 146/2024/NĐ-CP mới ban hành, đã cập nhật quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng từ 05/01/2025.

Quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng từ 05/01/2025

Quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng từ 05/01/2025 (Hình từ internet)

Ngày 06/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 146/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 102/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nghị định 26/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã được sửa đổi tại Nghị định 43/2019/NĐ-CP.

Quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng từ 05/01/2025

Cụ thể, tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 146/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị định 26/2014/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, theo đó:

Chức danh của người đứng đầu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau:

(1) Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra, giám sát trong phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

(2) Xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các cơ quan thanh tra trong Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 55 của Luật Thanh tra 2022; báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các cơ quan thanh tra trong Ngân hàng Nhà nước với cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 55 của Luật Thanh tra 2022.

(3) Ra quyết định thanh tra đối với đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, gồm các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, các cuộc thanh tra chuyên ngành lớn, phức tạp, các cuộc thanh tra lại hoặc khi xét thấy cần thiết; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra; đề nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh cử thanh tra viên ngân hàng, công chức khác tham gia đoàn thanh tra; trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia đoàn thanh tra.

(4) Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra ngân hàng hoặc khi có dấu hiệu rủi ro đe dọa đến sự an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

(5) Quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

(6) Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có dấu hiệu rủi ro đe dọa đến sự an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chỉ đạo Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tiến hành thanh tra đối với đối tượng thanh tra ngân hàng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân công thực hiện; trường hợp Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh không thực hiện yêu cầu thì báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.

(7) Xem xét, xử lý những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra, giám sát mà Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh không nhất trí với Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; trường hợp Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh không đồng ý với việc xử lý thì Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.

(8) Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đình chỉ theo thẩm quyền việc thi hành quyết định trái pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước được phát hiện qua thanh tra, giám sát.

(9) Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải quyết vấn đề liên quan đến công tác thanh tra, giám sát.

(10) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra, giám sát.

(11) Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

(12) Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra, giám sát hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, giám sát; yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức khác xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra, giám sát hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, giám sát.

(13) Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định theo thẩm quyền và tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

(14) Báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm được giao; báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các mặt công tác khác của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

(15) Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

(16) Quyết định việc thanh tra viên ngân hàng, công chức khác thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiến hành các cuộc làm việc, tiếp xúc trực tiếp đối tượng giám sát ngân hàng.

(17) Quyết định mức độ giám sát đối với các đối tượng giám sát ngân hàng, trừ trường hợp do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

(18) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.

Xem thêm tại Nghị định 146/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/01/2025.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,106

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]