Sẽ tăng cường rà soát giao dịch với khách hàng liên quan đến các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền cao

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
12/11/2024 09:45 AM

Bài viết sau có nội dung về tăng cường rà soát giao dịch với khách hàng liên quan đến các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền cao được quy định trong Chỉ thị 05/CT-NHNN năm 2024.

Sẽ tăng cường rà soát giao dịch với khách hàng liên quan đến các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền cao

Sẽ tăng cường rà soát giao dịch với khách hàng liên quan đến các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền cao (Hình từ Internet)

Ngày 06/11/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chỉ thị 05/CT-NHNN tăng cường quản lý rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng giai đoạn 2024-2028.

Sẽ tăng cường rà soát giao dịch với khách hàng liên quan đến các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền cao

Theo đó, nhằm kiểm soát, quản lý rủi ro rửa tiền, góp phần triển khai hiệu quả cơ chế phòng, chống rửa tiền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty trung gian thanh toán tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được quy định cụ thể tại Chỉ thị 05/CT-NHNN năm 2024 như sau:

- Tăng cường kiểm tra, rà soát chứng từ, giao dịch khi cung ứng các sản phẩm tiềm ẩn rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng được xác định theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền của Việt Nam giai đoạn 2018-2022.

- Tăng cường rà soát giao dịch với khách hàng liên quan đến các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền cao, trung bình cao theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền của Việt Nam giai đoạn 2018-2022.

- Căn cứ quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ tại khoản 1 Điều 26 và khoản 3 Điều 37, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022,cụ thể:

Điều 26. Báo cáo giao dịch đáng ngờ

1. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong trường hợp sau đây:

a) Khi biết giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo, người bị kết án và có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch là tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của bị can, bị cáo, người bị kết án đó. Việc xác định bị can, bị cáo, người bị kết án theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch liên quan đến rửa tiền được xác định từ việc xem xét, thu thập và phân tích thông tin khi khách hàng, giao dịch có một hoặc nhiều dấu hiệu đáng ngờ quy định tại các điều 27, 28, 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật này và có thể từ các dấu hiệu khác do đối tượng báo cáo xác định.

...

Điều 37. Thời hạn báo cáo

...

3. Trường hợp phát hiện giao dịch đáng ngờ do khách hàng yêu cầu có dấu hiệu liên quan đến tội phạm thì đối tượng báo cáo phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện.”

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty trung gian thanh toán đặc biệt lưu ý trong quá trình thực hiện rà soát các giao dịch, nếu nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tiền, tài sản trong giao dịch có liên quan đến các loại tội phạm nguồn có nguy cơ rửa tiền cao hoặc trung bình cao theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền của Việt Nam giai đoạn 2018-2022, gồm:

+ Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản;

+ Tội mua bán trái phép chất ma túy;

+ Tội tham ô tài sản;

+ Tội nhận hối lộ;

+ Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

+ Tội trốn thuế;

+ Tội mua bán người;

+ Tội buôn lậu;

+ Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội đánh bạc;

+ Tội tổ chức đánh bạc;

+ Tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; tội phạm về môi trường thì phải lập và gửi báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Cục Phòng, chống rửa tiền.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và nhằm triển khai các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp với rủi ro rửa tiền của quốc gia và tổ chức.

Xem thêm Chỉ thị 05/CT-NHNN ban hành ngày 06/11/2024. 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn