Một số vấn đề pháp lý cần lưu ý khi khởi nghiệp

05/07/2022 11:16 AM

Khởi nghiệp để tạo dựng tên tuổi, hình ảnh, thương hiệu và quyết định cho mình một lối đi riêng dẫn đến đột phá, thành công là mối quan tâm của nhiều bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo việc khởi nghiệp an toàn, bền vững thì người khởi nghiệp cần lưu ý mốt số vấn đề pháp lý cơ bản như sau:

Một số vấn đề pháp lý cần lưu ý khi khởi nghiệp

Một số vấn đề pháp lý cần lưu ý khi khởi nghiệp

1/ Thỏa thuận cụ thể trước khi thành lập doanh nghiệp.

Những người khởi nghiệp lúc đầu thường gắn kết với nhau bằng sự đam mê, khao khát tạo ra những giá trị cho xã hội, sản phẩm cho thị trường. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng các thành viên chỉ cần góp vốn và công sức để khởi nghiệp, đưa việc kinh doanh phát triển là được. Vì vậy, những người sáng lập thường không chú trọng đến việc thành lập và vận hành doanh nghiệp mà chỉ chia sẻ ý tưởng và thỏa thuận miệng các điều kiện kinh doanh, hợp tác với nhau.

Tuy nhiên, các thỏa thuận ban đầu thường sơ sài và dưới góc độ pháp lý chỉ là những thỏa thuận dân sự. Khi dự án khởi nghiệp phát triển và có lợi nhuận, hoặc khi tìm được nhà đầu tư hợp tác thì bài toán tài chính đặt ra lúc đó mới quan tâm đến vấn đề lợi ích và giữa những người sáng lập sẽ xảy ra các xung đột, mâu thuẫn liên quan đến việc góp vốn, sử dụng vốn, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi nhuận… Lúc này những thỏa thuận sơ sài ban đầu sẽ không đủ cơ sở minh định để giải quyết các vấn đề tranh chấp phát sinh.

Do vậy, dù là người thân hay bạn bè tri kỷ, các nhà sáng lập cũng nên rõ ràng ngay từ đầu bằng văn bản cụ thể về các điều khoản hợp tác, phương thức kinh doanh, chia lợi nhuận, quyền và trách nhiệm của nhau… để tránh muâu thuẫn về sau.

2/ Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp.

Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp là một trong những yếu tố cơ bản để quyết định sự thành công và tính ổn định của doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay thì có nhiều loại hình doanh nghiệp để người khởi nghiệp lựa chọn như: doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH (một thành viên, hai thành viên trở lên), công ty cổ phần, công ty hợp danh…

Người khởi nghiệp khi thành lập doanh nghiệp thường hay chọn hình thức công ty cổ phần vì cho rằng với hình thức này dễ huy động vốn đầu tư khi có cơ hội. Tuy nhiên, trong thực tế thì mô hình này lại có nhiều hạn chế so với công ty trách nhiệm hữu hạn. Cụ thể: Với hình thức công ty cổ phần thì phải sau 3 năm thành lập kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các cổ đông sáng lập mới được quyền chuyển nhượng cổ phần một cách tự do, rộng rãi. Trong thời gian trước đó, công ty chưa thật sự ổn định về kinh doanh và tổ chức, nên nếu có sự thay đổi về những người đứng đầu thì doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp sẽ ổn định và có thể chuyển đổi loại hình kinh doanh phù hợp khi doanh nghiệp đã phát triển.

3/ Chuẩn bị các giấy tờ pháp lý cần thiết.

Có thể nói, lợi nhuận từ dự án và hợp tác kinh doanh là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân khởi nghiệp, vì vậy những vấn đề về pháp lý và thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thường bị bỏ quên. Điều đó dẫn đến việc các doanh nhân khởi nghiệp thường bị động trong việc chuẩn bị giấy tờ pháp lý về doanh nghiệp của mình khi có đối tác, khách hàng yêu cầu đột ngột, nhiều nguy cơ bị tuột mất cơ hội làm ăn, hợp tác.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, các doanh nhân cần tìm hiểu và chuẩn bị các giấy tờ pháp lý liên quan như: giấy tờ tùy thân của người khởi nghiệp, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp, thỏa thuận hợp tác, chứng nhận góp vốn… Đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện còn bao gồm giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (giấy phép con). Hiện nay có nhiều đơn vị nhận thực hiện các dịch vụ này (các văn phòng luật sư, công ty tư vấn…) nên các doanh nhân khởi nghiệp cũng không quá vất vả để thiết lập và lưu trữ hồ sơ, quản trị.

4/ Thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, việc vi phạm về sở hữu trí tuệ còn rất phổ biến với tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường luôn là vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt với đặc điểm của các doanh nhân khởi nghiệp thường đề cao tính đổi mới sáng tạo, độc đáo trong sản phẩm, thì những thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ càng cần được đặt lên hàng đầu.

Theo quy định của pháp luật, sản phẩm trí tuệ bao gồm sáng kiến, sáng chế, công thức chế tạo, logo, nhãn hiệu, slogan… Các sản phẩm này có thể được tạo ra bởi chính người sáng lập hoặc bởi bên thứ ba được thuê (công ty thiết kế đồ họa, những người phát triển cho sản phẩm công nghệ…), các nhân viên của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Việc ký kết thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp làm rõ ai, tổ chức nào là người sở hữu, có quyền sử dụng (trong thời gian bao lâu) và ai, tổ chức nào có quyền mua lại các sản phẩm trí tuệ này… Đặc biệt, với các doanh nghiệp trong lĩnh vực về công nghệ, thông tin, truyền thông… thì những sản phẩm trí tuệ này là nền tảng hoạt động, nên nếu có xảy ra tranh chấp thì sự tồn tại của doanh nghiệp sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

5/ Điều khoản sử dụng website.

Có thể nói truyền thông, kỹ thuật số là kênh nổi bật mà các nhà khởi nghiệp nhắm đến để quảng bá sản phẩm của mình và tiếp cận khách hàng, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Họ thường dùng các trang web, fanpage, mạng xã hội hay cửa hàng ảo… để quảng cáo. Vì vậy, việc nắm rõ các điều khoản sử dụng trang web là một điều quan trọng đối với các nhà khởi nghiệp.

Theo nhận xét của chúng tôi, nếu các doanh nghiệp có một trang web riêng thì phải kèm theo các điều khoản quy định cách sử dụng trang web hay những thông tin có trên trang web đó đối với người truy cập.

Các điều khoản này cũng là nền tảng giúp các nhà sáng lập doanh nghiệp giảm thiểu hoặc miễn trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của người truy cập, đặc biệt đối với những trang web mà người sử dụng có thể đăng bài viết hoặc lời nhận xét. Điều lưu ý là các doanh nhân đừng quên rằng trang web của đơn vị phải được thông báo hoặc đăng ký tại Sở Thông tin truyền thông hoặc Bộ Thông tin truyền thông theo quy định hiện nay.

Như vậy, trước khi khởi nghiệp thì có nhiều vấn đề pháp lý cần đặt ra cho nhà khởi nghiệp cần được quan tâm và đầu tư đúng mức. Hiểu và lường trước được những vấn đề này sẽ giúp nhà khởi nghiệp tiến hành công việc được thuận lợi, thành công, hạn chế được những rủi ro, vướng mắc về pháp lý không đáng có. Ngoài những vấn đề lưu ý trên thì còn có những vấn đề khác có thể phát sinh trong quá trình khởi nghiệp mà chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày trong những kỳ tiếp theo.

                                              Thạc sĩ Luật học – Luật sư: NGUYỄN NHẬT TUẤN

                                            Trưởng Văn phòng Luật sư Phú Vinh

  • Luật sư Nguyễn Nhật Tuấn
  • Bài viết được tư vấn bởi
    Luật sư Nguyễn Nhật Tuấn
    Xem thêm thông tin về luật sư tại đây
    332/42i Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh 332/42i Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
    332/42i Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh 0913623699

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,528

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn