Các nội dung khám chuyên khoa phụ sản định kỳ cho lao động nữ từ ngày 20/6/2023

08/05/2023 10:33 AM

Lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ sẽ được khám chuyên khoa phụ sản theo những nội dung nào? – Thị Bông (Quảng Trị).

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu (THƯ VIỆN PHÁP LUẬT) tư vấn như sau:

Từ ngày 20/6/2023, đối với lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục quy định tại Phụ lục 3b ban hành kèm theo Thông tư 09/2023/TT-BYT. Cụ thể như sau:

I. Khám phụ khoa chuyên khoa phụ sản

1. Khám vùng bụng dưới và vùng bẹn.

2. Khám bộ phận sinh dục ngoài.

3. Khám âm đạo bằng mỏ vịt kết hợp quan sát cổ tử cung bằng mắt thường (chỉ thực hiện nếu tiếp cận được bằng đường âm đạo và có sự đồng ý của lao động nữ sau khi được nhân viên y tế tư vấn).

4. Khám âm đạo phối hợp nắn bụng, khám bằng hai tay (chỉ thực hiện nếu tiếp cận được bằng đường âm đạo và có sự đồng ý của lao động nữ sau khi được nhân viên y tế tư vấn).

5. Khám trực tràng phối hợp nắn bụng, khám bằng hai tay (chỉ thực hiện nếu không tiếp cận được bằng đường âm đạo hoặc bệnh cảnh cụ thể đòi hỏi phải đánh giá thêm bằng khám trực tràng. Chỉ thực hiện nếu có sự đồng ý của lao động nữ sau khi được nhân viên y tế tư vấn).

Mẫu đơn xin phép nghỉ 60 phút/ngày và hưởng 100% lương khi nuôi con nhỏ năm 2023

Năm 2023, trong những ngày lao động nữ hành kinh thì được nghỉ bao lâu?

chuyên khoa phụ sản

Các nội dung khám chuyên khoa phụ sản định kỳ cho lao động nữ từ ngày 20/6/2023 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)

II. Sàng lọc ung thư cổ tử cung trong khám chuyên khoa phụ sản

Thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm tổn thương cổ tử cung (chỉ thực hiện nếu tiếp cận được bằng đường âm đạo và có sự đồng ý của lao động nữ sau khi được nhân viên y tế tư vấn; thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế) bằng ít nhất một trong các kỹ thuật sau:

1. Nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch Acid Acetic (VIA test).

2. Nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch Lugol (VILI test).

3. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung.

4. Xét nghiệm HPV.

III. Sàng lọc ung thư vú trong khám chuyên khoa phụ sản

Thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm tổn thương vú bằng ít nhất một trong các kỹ thuật sau:

1. Khám lâm sàng vú.

2. Siêu âm tuyến vú hai bên.

3. Chụp Xquang tuyến vú.

IV. Siêu âm tử cung-phần phụ

Việc siêu âm tử cung-phần phụ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ khám.

Thông tư 09/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14/2013/TT-BYT.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng – Thông tư 14/2013/TT-BYT

1. Thông tư này hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, nội dung khám sức khỏe (KSK), phân loại sức khỏe và điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) được phép thực hiện KSK.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

a) Người Việt Nam, người nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam KSK khi tuyển dụng, KSK định kỳ, KSK khi vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề và các đối tượng khác;

b) KSK cho người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

3. Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Khám bệnh ngoại trú, nội trú trong các cơ sở KBCB;

b) Khám giám định y khoa, khám giám định pháp y, khám giám định pháp y tâm thần;

c) Khám để cấp giấy chứng thương;

d) Khám bệnh nghề nghiệp;

đ) KSK khi tuyển vào lực lượng vũ trang và KSK trong lực lượng vũ trang.

4. Việc KSK chỉ được thực hiện tại cơ sở KBCB đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật KBCB và có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư này.

5. Đối với người có giấy KSK do cơ sở y tế có thẩm quyền của nước ngoài cấp thì giấy KSK được sử dụng trong trường hợp Việt Nam và quốc gia hoặc vùng lãnh thổ cấp giấy KSK có điều ước hoặc thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau và thời hạn sử dụng của giấy KSK đó không quá 6 tháng kể từ ngày được cấp. Giấy KSK phải được dịch sang tiếng Việt có chứng thực bản dịch.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,403

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]