Chính thức đồng bộ quy định về tiền lương đóng BHXH của NLĐ đã qua đào tạo nghề

19/06/2023 15:50 PM

Có phải hiện nay mức tiền lương tối thiểu tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động đã qua đào tạo nghề với lao động phổ thông là như nhau? – Hồng Gấm (Đồng Nai).

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu (THƯ VIỆN PHÁP LUẬT) tư vấn như sau:

1. Đồng bộ quy định về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề

Trước đây, tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP, tiền lương của người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Kể từ ngày 01/7/2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP không còn quy định về tiền lương tối thiểu của người đã qua học nghề, đào tạo nghề mà chỉ quy định về mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo tháng, theo giờ.

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01/7/2022 theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP

Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng; 22.500 đồng/giờ.

Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng; 20.000 đồng/giờ.

Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng; 17.500 đồng/giờ.

Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng; 15.600 đồng/giờ.

Điểm mới Quyết định 948/QĐ-BHXH sửa đổi Quyết định 595/QĐ-BHXH và Quyết định 490/QĐ-BHXH

tiền lương

Tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, tại Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 về quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế chưa kịp sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp với Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Do đó, trên thực tế phát sinh vướng mắc, nhiều người còn nhầm tưởng “tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề vẫn phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng”.

Ngày 05/6/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định 948/QĐ-BHXH và sửa đổi, bổ sung Quyết định 595/QĐ-BHXH cho phù hợp với Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Cụ thể, bãi bỏ tiết a, tiết b điểm 2.6 khoản 2 Điều 6.

Điều 6. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 89 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

...

2.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

a) Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;

b) Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

2. Lưu ý về việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP

Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 41,191

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]