Tải App trên Android

Tiền lương đóng BHXH bắt buộc mới nhất năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
31/07/2024 06:33 AM

Từ 01/7/2024, tăng lương cơ sở với công chức, đồng thời tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động. Vậy có tăng tiền lương đóng BHXH bắt buộc năm 2024 thay đổi thế nào?

Tăng tiền lương đóng BHXH bắt buộc từ 01/7/2024

Tiền lương đóng BHXH bắt buộc mới nhất năm 2024 (Hình từ internet)

Tiền lương đóng BHXH bắt buộc mới nhất năm 2024

**Tiền lương đóng BHXH bắt buộc với cán bộ, công chức, viên chức

(i) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại mục (1) này bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương.

Tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm được tính theo công thức:

Tiền lương = Lương cơ sở x Hệ số lương

Trong đó, mức lương cơ sở năm 2024 được quy định như sau:

- Từ ngày 01/01/2024 – 30/6/2024: Mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.

- Từ ngày 01/7/2024 – 31/12/2024: Mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.

(ii) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn

Đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở.

Trong đó, mức lương cơ sở năm 2024 được quy định như sau:

- Từ ngày 01/01/2024 – 30/6/2024: Mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.

- Từ ngày 01/7/2024 – 31/12/2024: Mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.

Như vậy, với sự điều chỉnh lương cở tăng thêm 30% từ ngày 01/7/2024 thì tiền lương tháng đóng BHXH với các đối tượng (i) và (ii) vừa nêu sẽ được điều chỉnh tăng tương ứng.

**Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp quyết định

(1) Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động, bao gồm:

- Mức lương ghi trong hợp đồng lao động.

- Phụ cấp lương: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thực hiện từ 01/01/2018.

(2) Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm:

Tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ.

(3) Tiền lương tháng làm căn cứ đóng đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương là tiền lương do doanh nghiệp quyết định; đối với người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương là tiền lương do đại hội thành viên quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

(4) Mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

Từ ngày 01/7/2024, lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% (Xem chi tiết tại đây)

Mức lương tối thiểu tháng tăng 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy từng vùng. Trong đó, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng và vùng 4 là 3,45 triệu đồng. 

Lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động 16.600 đồng đến 23.800 đồng. Theo đó, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 lên 18.600 đồng; vùng 4 lên 16.600 đồng.

(Mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2024 - 30/6/2024 áp dụng tại các vùng dao động 3,25 - 4,68 triệu đồng).

(5) Mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BH TNLĐ-BNN cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BH TNLĐBNN bằng 20 tháng lương cơ sở. (Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn khi bỏ lương cơ sở thì mức lương tháng đóng BHXH sẽ tính thế nào).

Trường hợp mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.

Căn cứ:

Quyết định 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 và sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Quyết định 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020.

Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang

Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 do Quốc hội ban hành.

Hồ sơ báo giảm lao động, BHXH 

Căn cứ quy định tại Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì doanh nghiệp báo giảm lao động, BHXH cần phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ báo giảm gồm các loại giấy tờ sau đây:

- Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).

Mẫu TK3-TS

- Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS).

Mẫu D02-TS
 
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 114,739

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]