Bộ Nội vụ sẽ trình ban hành Nghị định chế độ tiền lương mới

09/11/2023 15:55 PM

(Chinhphu.vn) - Sau khi cấp có thẩm quyền thông qua lộ trình cải cách chính sách tiền lương và các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Đã bố trí đủ ngân sách để cải cách tiền lương

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội bổ sung, làm rõ một số vấn đề về thực hiện nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn; Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ. Trong đó, đáng chú ý là nội dung về cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII (về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp), Chính phủ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Từ ngày 01/7/2023, đã tăng mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng (tương ứng tăng 20,8%).

Điểm thuận lợi trong thực hiện cải cách chính sách tiền lương hiện nay là đã bố trí đủ nguồn ngân sách để triển khai đồng bộ cả 6 nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27; đồng thời đảm bảo mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước được cải thiện, hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư.

Qua đó, tạo động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đến nay, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; ở địa phương giảm được 7 sở, 6 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức cấp phòng và biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 11,67% là cơ sở tạo nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm là giải pháp căn bản, tiền đề để cải cách tiền lương

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết một số khó khăn trong quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021.

Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều khó khăn, đặc biệt là chịu tác động năng nề của đại dịch COVID-19 dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách này.

Ngoài ra, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị “là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương” làm cơ sở xây dựng bảng lương mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Việc thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và các đề án đổi mới, cải cách trong các ngành, lĩnh vực có liên quan là công việc rất quan trọng để cải cách đồng bộ chính sách tiền lương.

Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế như: Chưa thể chế hóa kịp thời, đồng bộ các nghị quyết của Trung ương liên quan đến cải cách tiền lương; hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa kịp thời và chưa đồng bộ; việc đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chưa đạt yêu cầu đề ra.

Việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với người giữ chức vụ lãnh đạo phức tạp do ở nhiều bậc lương cũ, ngạch, chức danh nghề nghiệp khác nhau xếp vào một mức lương chức vụ mới... dẫn đến có người cao hơn, có người thấp hơn (phải bảo lưu chênh lệch để bằng mức hiện hưởng).

Năm giải pháp chủ yếu để thực hiện cải cách tiền lương

Năm giải pháp chủ yếu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương đồng bộ, kịp thời vào thời điểm từ ngày 1/7/2024 đã được Bộ trưởng Nội vụ nêu ra, trong đó nội dung đầu tiên là trình cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

Tiếp đến là tập trung triển khai Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về cải cách chính sách tiền lương ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Thực hiện các giải pháp tài chính để tạo nguồn bảo đảm thực hiện cải cách chính sách tiền lương bền vững; xây dựng quy định về cơ chế quản lý tiền lương mới của khu vực công trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giảm số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo làm cơ sở để thực hiện chế độ tiền lương mới.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị về cải cách chính sách tiền lương; không để tình trạng lợi dụng tăng lương để tăng giá làm mất cân đối thị trường.

Tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về chế độ tiền lương mới

Theo đó, năm 2024, sau khi cấp có thẩm quyền thông qua lộ trình cải cách chính sách tiền lương và các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Bộ Nội vụ cũng sẽ phối hợp Ban Tổ chức Trung ương trình Ban Bí thư ban hành quyết định về chế độ tiền lương mới đối với khu vực Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Bộ Nội vụ phối hợp với Ban công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đề nghị sớm ban hành chính sách tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học

Thẩm tra về cải cách chính sách tiền lương, các cơ quan của Quốc hội nhận định, việc cải cách tiền lương đã được tích cực triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non, tiểu học với việc hưởng lương và các chế độ phụ cấp lương theo địa bàn hoặc theo công việc đảm nhiệm như đối với viên chức nói chung và còn được hưởng các chế độ ưu đãi khác.

Ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, việc cải cách tiền lương vẫn chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Mức lương của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm ban hành chính sách này./.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,050

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]