Mức phạt vi phạm quy định về sản xuất phân bón

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
28/06/2023 15:28 PM

Xin tư vấn cho tôi về mức phạt vi phạm quy định về sản xuất phân bón hiện nay như thế nào? - Tấn Trực (Thanh Hóa)

Mức phạt vi phạm quy định về sản xuất phân bón

Mức phạt vi phạm quy định về sản xuất phân bón (Hình từ internet)

 

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

 

Sản xuất phân bón là gì?

Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng - theo quy định tai Khoản 20 Điều 2 Luật Trồng trọt 2018.

Theo quy định tai Khoản 5 Điều 2 Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định sản xuất phân bón là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động phối trộn, pha chế, nghiền, sàng, sơ chế, ủ, lên men, chiết xuất, tái chế, làm khô, làm ẩm, tạo hạt, đóng gói và hoạt động khác thông qua quá trình vật lý, hóa học hoặc sinh học để tạo ra sản phẩm phân bón.

Mức phạt vi phạm quy định về sản xuất phân bón

Theo Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023) quy định về xử phạt vi phạm quy định về sản xuất phân bón bao gồm:

- Phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón định kỳ hàng năm.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt;

+ Không thực hiện báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón định kỳ hàng năm trong 02 năm liên tiếp hoặc không thực hiện báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

+ Không có phòng thử nghiệm được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025 mà không có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất ra (trừ các cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón).

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Người trực tiếp điều hành sản xuất phân bón không có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học;

+ Không thực hiện thu hồi hoặc không tuân thủ thời hạn thu hồi phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

+ Không lưu mẫu sản phẩm của từng lô phân bón xuất xưởng theo quy định về thời gian bảo quản mẫu lưu;

+ Không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm theo quy định về thời gian của từng lô phân bón sản xuất đã xuất xưởng.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không thực hiện thử nghiệm đánh giá chất lượng của từng lô phân bón thành phẩm tại một trong các phòng thử nghiệm quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP  quy định về quản lý phân bón hoặc phòng thử nghiệm được chỉ định trước khi đưa phân bón ra lưu thông trên thị trường;

+ Không có hệ thống quản lý chất lượng được công nhận phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương (trừ cơ sở mới thành lập chưa đủ 01 năm kể từ ngày thành lập).

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất phân bón không phù hợp với quy trình sản xuất từng loại phân bón, dạng phân bón theo đúng đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

- Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, cụ thể như sau:

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không đúng loại phân bón, dạng phân bón được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;

+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không đúng địa điểm trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;

+ Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đã hết hạn hoặc bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi.

- Phạt tiền đối với hành vi sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (trừ trường hợp sản xuất phân bón để nghiên cứu, khảo nghiệm; phân bón sản xuất trong khuôn khổ dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong thời gian thực hiện dự án, chương trình) hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc khi đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, cụ thể như sau:

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp lô phân bón có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (trừ trường hợp sản xuất phân bón để nghiên cứu, khảo nghiệm; phân bón sản xuất trong khuôn khổ dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong thời gian thực hiện dự án, chương trình) hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc khi đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 100.000.000 đồng trở lên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án.

Theo Khoản 9 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023) quy định về hình thức phạt bổ sung của các hành vi vi phạm quy định về sản xuất phân bón bao gồm:

+ Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm c, Điểm d Khoản 3 và Khoản 4 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023) trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

+ Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 5 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023) trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

+ Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm c, Điểm d Khoản 6, Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 7 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023);

+ Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 7 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023);

+ Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón từ 20 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 8 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023);

Ngoài ra, căn cứ Khoản 10 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023) quy định về  biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm quy định về sản xuất phân bón bao gồm:

+ Buộc thu hồi phân bón để thử nghiệm lại đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023);

+ Buộc nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023) cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;

+ Buộc tiêu hủy đối với phân bón do thực hiện hành vi quy định tại Điểm c Khoản 6 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023);

+ Buộc tiêu hủy đối với phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc khi đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam đối với hành vi quy định tại các Khoản 7 và Khoản 8 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023);

+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại các Khoản 7 và Khoản 8 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023).

Như vậy, hành vi vi phạm về sản xuất phân bón có thể bị xử phạt tới 100.000.000 đồng với cá nhân và phạt tới 200.000.000 triệu đồng với tổ chức.

Ngoài ra, khi thuộc trường hợp Khoản 9, Khoản 10 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023), tổ chức cá nhân vi phạm buộc phải thực hiện các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo qui định.

Nguyễn Phạm Nhựt Tân

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,511

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn