Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 24/2022/UBTVQH15 tiếp tục hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021.
Theo đó, tiếp tục chi trả hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể:
- Sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn.
- Thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/9/2022.
- Kinh phí chi trả hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nêu trên được quyết toán vào năm tài chính 2022.
Như vậy, những trường hợp người lao động đủ điều kiện, đã nộp hồ sơ nhưng chưa được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được giải quyết chậm nhất vào ngày 10/9/2022.
Đồng thời, giao Chính phủ triển khai thực hiện việc chi trả đúng thời hạn, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết 24/2022/UBTVQH15 tại phiên họp tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Năm 2021, để hỗ trợ người lao động có đóng bảo hiểm thất nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021.
Để triển khai chính sách hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP để hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Tiếp tục hỗ trợ tiền cho người lao động theo Nghị quyết 116 (Hình từ internet)
Đối tượng được hỗ trợ tiền bao gồm:
- Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).
- Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, cụ thể như sau:
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: hỗ trợ 1.800.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: hỗ trợ 2.100.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: hỗ trợ 2.400.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: hỗ trợ 2.650.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: hỗ trợ 2.900.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.
Về nguyên tắc, thời gian đóng BHTN chỉ mất đi khi người lao động nhận tiền trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Luật Việc làm 2013.
Thêm vào đó, chính sách hỗ trợ ở Nghị quyết 116/NQ-CP là chính sách hỗ trợ độc lập với chính sách hưởng BHTN được quy định ở Luật Việc làm 2013.
Do đó, việc người lao động nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP không làm mất đi thời gian đã tham gia BHTN nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
>>> Xem thêm: Ký hợp đồng lao động vào tháng 6/2022, NLĐ có được hỗ trợ tiền thuê nhà? Hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà gồm những gì?
Châu Thanh