Hướng dẫn đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
09/09/2024 20:45 PM

Bài viết sau có nội dung về việc đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định trong Nghị định 64/2011/NĐ-CP.

Hướng dẫn đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh

Hướng dẫn đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 64/2011/NĐ-CP thì việc đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh được thực hiện như sau:

- Khi người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, Thủ trưởng cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần thông báo cho cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh để yêu cầu Hội đồng giám định pháp y tâm thần tiến hành giám định về tình trạng bệnh của người đó.

- Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần về việc người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đề nghị Viện Kiểm sát hoặc Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh ra quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này. Sau khi nhận được quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh phải thông báo ngay cho cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần và thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh.

- Sau khi nhận được quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh phải đến nhận người bị bắt buộc chữa bệnh. Trường hợp Viện Kiểm sát ra quyết định đình chỉ, thì khi nhận quyết định đình chỉ, thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh phải đến nhận người đó. Việc giao nhận phải lập biên bản, trong đó ghi rõ thời gian chữa bệnh tại cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần.

Sau 15 ngày kể từ ngày cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần nhận được Quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh mà cơ quan có trách nhiệm hoặc thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh không đến nhận người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh và cũng không có thông tin gì khác thì cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần làm thủ tục xuất viện bình thường cho người bị bắt buộc chữa bệnh.

Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm đến nhận người, nhưng không đến hoặc đến không đúng thời hạn nêu trên, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh đã chấp hành xong hình phạt và khi họ đã khỏi bệnh, cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần tiến hành thủ tục xuất viện cho họ tương tự người bệnh bình thường khác.

2. Quy định về đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn thi hành án

Việc đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn thi hành án được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định 64/2011/NĐ-CP như sau:

- Trường hợp người bị kết án phạt tù đang thi hành án tại Trại giam hoặc Trại tạm giam mà có nghi ngờ họ bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì Giám thị Trại giam, Giám thị Trại tạm giam đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi có Trại giam hay Trại tạm giam đang giam giữ người bị kết án tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với họ và quyết định việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

- Trường hợp người bị kết án phạt tù đang thi hành án tại Nhà tạm giữ mà có nghi ngờ họ bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với họ và quyết định việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn