Bảo mẫu bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng: Bị xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
04/09/2024 20:20 PM

Mạng xã hội đang xôn xao các clip được cho là bảo mẫu bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng. Vậy các bảo mẫu này sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?

Bảo mẫu bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng: Bị xử lý thế nào?

Bảo mẫu bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng: Bị xử lý thế nào? (Hình từ internet)

1. Bạo hành trẻ em là một hành vi bị nghiêm cấm

Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013 đã quy định rất rõ:

Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Đồng thời theo Điều 6 Luật Trẻ em 2016 thì bạo lực đối với trẻ em cũng là một hành vi bị nghiêm cấm.

2. Bảo mẫu bạo hành trẻ em ở mái ấm hoa hồng: Có thể bị xử lý thế nào?

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà các bảo mẫu bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

* Xử phạt vi phạm hành chính:

Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên;

+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

* Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Các bảo mẫu bạo hành trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng có thể đối diện với các tội danh sau đây:

- Tội hành hạ người khác với mức án cao nhất lên đến 03 năm tù (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015).

- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với mức án cao nhất là tù chung thân (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).

- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức án cao nhất lên đến tù chung thân (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015sửa đổi 2017).

- Hoặc một tội khác theo kết luận của cơ quan chức năng.

Đặc biệt hơn, phạm tội với người đối với người dưới 16 tuổi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015sửa đổi 2017).

3. Chỉ đạo xử lý vụ việc bảo mẫu bạo hành trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành Công điện 02/CĐ-BLĐTBXH ngày 04/9/2024 về xử lý vụ việc bạo lực trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh và tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em.

Công điện 02/CĐ-BLĐTBXH

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương, kiểm tra xác minh vụ việc do Báo Thanh Niên phản ánh (tức vụ việc tại mái ấm Hoa Hồng) và thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại cơ sở nêu trên theo quy định của Nghị định 56/2017/NĐ-CP.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,458

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]