Tải App trên Android

Những địa phương nào không sáp nhập đơn vị hành chính thời gian tới?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
11/01/2025 16:15 PM

Những địa phương nào không sáp nhập đơn vị hành chính thời gian tới? Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương sau sáp nhập, giải thể như thế nào?

Những địa phương nào không sáp nhập đơn vị hành chính thời gian tới?

Tại Báo cáo 8677/BC-BNV năm 2024, đến ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành 01 Nghị quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 51 Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về kết quả thực hiện sắp xếp, thành lập ĐVHC các cấp giai đoạn 2023 - 2025 của 51 địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, đã được báo cáo như sau:

* Cấp tỉnh:01 thành phố trực thuộc trung ương được thành lập mới (Thành phố Huế)

* Cấp huyện:37 đơn vị thực hiện sắp xếp, gồm: 07 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 14 đơn vị khuyến khích sắp xếp, 10 đơn vị liền kề, 06 đơn vị thành lập nguyên trạng). Sau sắp xếp giảm 09 ĐVHC cấp huyện.

* Cấp xã:1.178 đơn vị thực hiện sắp xếp (664 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 134 đơn vị khuyến khích sắp xếp, 298 đơn vị liền kề, 82 đơn vị thành lập nguyên trạng). Sau sắp xếp giảm 563 ĐVHC cấp xã.

Về những địa phương không bắt buộc sáp nhập đơn vị hành chính trong giai đoạn 2023 - 2025 và thời gian tới của giai đoạn 2026 – 2030, sẽ căn cứ theo Điều 3 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 quy định về các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính như sau:

(1) Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp:

- Có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề;

- Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào;

- Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023 - 2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

(2) Trong giai đoạn 2023 - 2025 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021.

(3) Trong giai đoạn 2026 - 2030 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn 2023 - 2025.

(4) Đối với trường hợp quy định tại các khoản (1), (2) và (3), nếu địa phương thấy cần thực hiện sắp xếp để tổ chức hợp lý đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo tại phương án tổng thể và đề án sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Những địa phương nào không bắt buộc sáp nhập đơn vị hành chính thời gian tới?

Những địa phương nào không bắt buộc sáp nhập đơn vị hành chính thời gian tới? (Hình từ internet)

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương sau sáp nhập, giải thể như thế nào?

Theo Điều 11 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, quy định về số lượng lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như sau:

(i) Khi xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chỉ đạo rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế; việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, tổ chức mới và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư phải có lộ trình phù hợp với đặc thù của từng địa phương và thời hạn quy định tại (iii).

(ii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục, số lượng vị trí việc làm và tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

(iii) Chậm nhất là 05 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp phải bảo đảm đúng theo quy định. Trường hợp đặc biệt báo cáo Bộ Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 384

Bài viết về

Sắp xếp đơn vị hành chính/Sáp nhập huyện xã

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]