Người được đặc xá có đương nhiên được xóa án tích không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
24/08/2024 21:31 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung người được đặc xá có đương nhiên được xóa án tích không?

Người được đặc xá có đương nhiên được xóa án tích không?

Người được đặc xá có đương nhiên được xóa án tích không? (Hình từ internet)

Người được đặc xá có đương nhiên được xóa án tích không?

Căn cứ Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định điều kiện đương nhiên được xóa án tích như sau:

Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

+ 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

- Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định trên.

Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định trên.

Đồng thời tại khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá 2018 quy định đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Và Điều 62 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá.

Do đó, có thể thấy người được đặc xá là người được miễn chấp hành hình phạt chứ không phải là người đương nhiên được xóa án tích. Người được đặc xá chỉ đương nhiên được xóa án tích khi có đủ các điều kiện quy định trên.

Điều kiện của phạm nhân được đề nghị đặc xá

- Người bị kết án phạt tù có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá 2018 là người đã chấp hành nghiêm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động, cải tạo và các quý đã đủ thời gian xếp loại trong quá trình chấp hành án phạt tù được xếp loại khá hoặc tốt.

- Người bị kết án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá 2018 là người thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án;

+ Có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền;

+ Có văn bản đề nghị của người được thi hành án hoặc đại diện hợp pháp của người được thi hành án về việc không phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án đối với tài sản không thuộc sở hữu nhà nước.

- Người bị kết án phạt tù đã thi hành được một phần nghĩa vụ tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại là trường hợp người đó và gia đình không còn tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án và không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng.

- Người bị kết án phạt tù đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá 2018 là người thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm;

+ Cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản lớn (có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên) của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn;

+ Có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận.

Người đã có quyết định thi hành án phạt tù lập công lớn trong thời gian chờ đưa đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để chấp hành án phạt tù cũng được coi là lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù.

- Người bị kết án phạt tù đang mắc bệnh hiểm nghèo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá 2018 là người mắc một trong các bệnh: Ung thư giai đoạn cuối; liệt; lao nặng kháng thuốc; xơ gan cổ trướng; suy tim độ III trở lên; suy thận độ IV trở lên; bệnh HIV giai đoạn lâm sàng IV đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc bệnh khác mà được Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là không tự phục vụ bản thân, nguy cơ tử vong cao.

- Người bị kết án phạt tù đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá 2018 là người đang phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện liên tục từ 03 tháng trở lên hoặc không liên tục nhưng phải nằm điều trị tại bệnh viện từ ba lần trở lên, mỗi lần từ 01 tháng trở lên, không tự phục vụ bản thân, có kết luận bằng văn bản của Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên.

- Người bị kết án phạt tù có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại điểm e khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá 2018 là trường hợp gia đình của người bị kết án phạt tù đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác dẫn đến không còn tài sản gì đáng kể, không có thu nhập hoặc thu nhập dưới mức chuẩn hộ nghèo hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người đó là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú xác nhận là đúng.

(Điều 4 Nghị định 52/2019/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,440

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]