Tổng hợp Bộ luật Hình sự Việt Nam qua các thời kỳ (Hình từ internet)
Bộ luật Hình sự Việt Nam qua các thời kỳ bao gồm:
Bộ luật Hình sự Việt Nam qua các thời kỳ và các văn bản sửa đổi, bổ sung |
1. Bộ luật Hình sự 1985 (số hiệu 17-LCT/HĐNN7), có hiệu lực từ ngày 01/01/1986 đến hết ngày 30/6/2000.
Bộ luật Hình sự 1985 đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VII, kỳ họp thứ 9, nhất trí thông qua ngày 27/6/1985 tại Hà Nội.
2. Bộ luật Hình sự 1999 (số hiệu 15/1999/QH10), có hiệu lực từ ngày 01/07/2000 đến hết ngày 31/12/2017.
Bộ luật Hình sự 1999 đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21/12/1999.
Bộ luật Hình sự 1999 được sửa đổi bởi các văn bản sau:
+ Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2009).
+ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 1999 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 đến hết ngày 31/12/2017).
3. Bộ luật Hình sự 2015 (số hiệu 100/2015/QH13), có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Bộ luật Hình sự 2015 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015.
Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi các văn bản sau:
+ Nghị quyết 144/2016/QH13 về lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015.
+ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.
***
Trước khi có Bộ luật Hình sự 1985 thì tại Việt Nam có các văn bản xử lý trách nhiệm hình sự sau:
- Sắc lệnh số 27 ngày 28/02/1946 về việc truy tố các tội bắt cóc, tống tiền và ám sát.
- Sắc lệnh số 168/SL ngày 14/04/1948 về việc ấn định cách trừng trị tội đánh bạc.
- Thông tư 442-TTg ngày 19/1/1955 về việc trừng trị một số tội phạm.
- Thông tư 556-TTg ngày 29/6/1955 Bổ khuyết Thông tư 442-TTg về việc trừng trị một số tội phạm.
- Sắc lệnh số 267/SL ngày 15/06/1956 về việc trừng trị những âm mưu và hành động phá hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch Nhà nước.
- Chỉ thị 02-TANDTC/CT 29/04/1963 hướng dẫn xử lý tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây tai nạn làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, đến sức khoẻ và sinh mạng của những người lao động tại các công trường, nhà máy, hầm mỏ, kho tàng...
….
- Nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự 1985:
Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, Bộ luật quy định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội.
- Nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự 1999:
Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, Bộ luật quy định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội.
- Nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự 2015:
Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt.