Lệ phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
26/02/2024 13:39 PM

Xin hỏi mức thu lệ phí duy trì, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hiện hành là bao nhiêu? - Minh Hằng (Phú Yên)

Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp gồm những gì?

Căn cứ Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định văn bằng bảo hộ ghi nhận chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu (gọi là chủ văn bằng bảo hộ); tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ.

Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý ghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.

Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:

- Bằng độc quyền sáng chế.

- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

- Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

- Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.

- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

- Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Quy định duy trì, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Căn cứ Điều 94 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và khoản 82 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về vấn đề duy trì, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như sau:

- Để duy trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp phí, lệ phí để duy trì hiệu lực.

- Để gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực.

- Mức phí, lệ phí và thủ tục duy trì, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ do Chính phủ quy định.

Trường hợp chủ văn bằng bảo hộ không nộp phí, lệ phí để duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định thì văn bằng bảo hộ sẽ bị chấm dứt hiệu lực.

Lệ phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Lệ phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Hình từ internet)

Lệ phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Mức thu lệ phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được áp dụng theo quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BT, cụ thể như sau:

(1) Lệ phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích/gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp (đối với sáng chế/giải pháp hữu ích (mỗi năm) cho mỗi điểm độc lập của yêu cầu bảo hộ; đối với nhãn hiệu (10 năm) cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ; đối với kiểu dáng công nghiệp (5 năm) cho mỗi phư­ơng án của từng sản phẩm):

- Đối với sáng chế (bao gồm cả giải pháp hữu ích): 100.000 đồng.

- Đối với kiểu dáng công nghiệp: 100.000 đồng.

- Đối với nhãn hiệu: 100.000 đồng.

(2) Lệ phí duy trì/gia hạn hiệu lực muộn (cho mỗi tháng nộp muộn) đối với sáng chế (bao gồm cả giải pháp hữu ích), kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu: 10% lệ phí duy trì/gia hạn.

Quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Căn cứ Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) quy định về vấn đề hiệu lực của văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như sau:

- Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

- Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.

- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

- Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.

- Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

+ Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;

+ Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;

+ Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

- Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

- Đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với nhãn hiệu trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn mười hai tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu đó chỉ định Việt Nam, tính theo thời điểm nào sớm hơn. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu được tính theo quy định của Nghị định thư và Thỏa ước Madrid.

- Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn sáu tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế công bố đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đó, tính theo thời điểm nào sớm hơn. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được tính theo quy định của Thỏa ước La Hay.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,658

Bài viết về

lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]