Các hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền nhằm cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp từ 15/11/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
14/10/2024 10:30 AM

Sau đây là các hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự nhằm cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Các hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền nhằm cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp từ 15/11/2024

Các hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền nhằm cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp từ 15/11/2024 (Hình từ Internet)

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 06/2024/TT-BKHCN ngày 30/9/2024 sửa đổi Thông tư 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Các hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền nhằm cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp từ 15/11/2024

Thông tư 06/2024/TT-BKHCN đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 19 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN về các hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền quy định tại điểm a khoản 16 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại điểm c khoản 13 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP) (hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng với dụng ý xấu hoặc lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng nhằm thu lợi bất chính) như sau:

* Chủ thể có quyền kiến nghị xử lý hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền quy định tại điểm a khoản 16 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại điểm c khoản 13 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP) là tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi vi phạm này gây ra. 

Trong đó, tên miền quy định tại điểm a khoản 16 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại điểm c khoản 13 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP) là tên miền thuộc quyền quản lý của Việt Nam (trừ tên miền đã được phân bổ thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về viễn thông);

* Hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Chiếm hữu, sử dụng tên miền có dãy ký tự trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng để giới thiệu sản phẩm, chào hàng, bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan trên trang thông tin điện tử mà địa chỉ tên miền đó dẫn tới; gây nhầm lẫn để lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý nhằm thu lợi bất chính;

- Chiếm hữu, sử dụng tên miền có dãy ký tự trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng với dụng ý xấu khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

(i) Có căn cứ chứng minh tổ chức, cá nhân chiếm giữ, sử dụng tên miền nhằm bán lại, chuyển giao quyền đăng ký, sử dụng tên miền cho chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, cơ quan, tổ chức có quyền quản lý chỉ dẫn địa lý để thu lợi. Đồng thời, có căn cứ cho rằng, tại thời điểm đăng ký tên miền, tổ chức, cá nhân này biết hoặc có cơ sở để biết nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đó đã được bảo hộ tại Việt Nam;

(ii) Trang thông tin điện tử mà địa chỉ tên miền đó dẫn tới đăng tải các thông tin làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của chính nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ tại Việt Nam.

* Kiến nghị xử lý hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền quy định tại điểm a khoản 16 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại điểm c khoản 13 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP) phải được gửi kèm các thông tin, tài liệu sau:

- Đối với hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng để lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng nhằm thu lợi bất chính:

+ Thông tin, tài liệu chứng minh nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại được bảo hộ tại Việt Nam và nhãn hiệu, tên thương mại được sử dụng rộng rãi hoặc được người tiêu dùng Việt Nam trong lĩnh vực liên quan biết đến uy tín, danh tiếng hoặc chứng minh nhãn hiệu được coi là nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022) (ví dụ: thông tin về quảng cáo, tiếp thị, trưng bày triển lãm; doanh thu bán hàng; số lượng sản phẩm bán ra; hệ thống đại lý phân phối, liên doanh, liên kết; quy mô đầu tư; đánh giá của các cơ quan nhà nước, hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, phương tiện thông tin đại chúng, bình chọn của người tiêu dùng; hoạt động công ích, từ thiện hoặc thông tin khác thể hiện nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam hoặc chứng minh nhãn hiệu được coi là nhãn hiệu nổi tiếng); và

+ Thông tin, tài liệu chứng minh bên bị kiến nghị xử lý đã sử dụng tên miền trên mạng Internet để giới thiệu sản phẩm, chào hàng, bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan trên trang thông tin điện tử mà địa chỉ tên miền đó dẫn tới; gây nhầm lẫn để lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ tại Việt Nam nhằm thu lợi bất chính (ví dụ: thông tin giới thiệu, chỉ dẫn hoặc thông tin khác khiến người tiêu dùng Việt Nam hiểu là đại lý, chi nhánh, đối tác, văn phòng đại diện tại Việt Nam);

- Đối với hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng với dụng ý xấu:

Thông tin, tài liệu chứng minh tổ chức, cá nhân chiếm giữ, sử dụng tên miền nhằm bán lại, chuyển giao quyền đăng ký, sử dụng tên miền cho chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, cơ quan, tổ chức có quyền quản lý chỉ dẫn địa lý để thu lợi và thông tin thể hiện tại thời điểm đăng ký tên miền, tổ chức, cá nhân này biết hoặc có cơ sở để biết nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ tại Việt Nam; hoặc thông tin thể hiện trang thông tin điện tử mà địa chỉ tên miền dẫn tới đăng tải các thông tin làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ tại Việt Nam;

- Thông tin, tài liệu chứng minh bên bị kiến nghị xử lý không có quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại đã được bảo hộ tại Việt Nam; thông tin chứng minh bên bị kiến nghị xử lý đã là thành viên, đối tác, đại lý với chủ thể quyền (nếu có).

Xem thêm tại Thông tư 06/2024/TT-BKHCN có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 604

Bài viết về

lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn