Hành vi nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp từ 15/11/2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
12/10/2024 19:15 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về hành vi nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp từ 15/11/2024.

Hành vi nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp từ 15/11/2024 (Hình từ internet)

Ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 06/2024/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

1. Hành vi nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp từ 15/11/2024

Theo Điều 18 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 06/2024/TT-BKHCN) quy định hành vi nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như sau: 

- Hành vi nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP trừ trường hợp quy định dưới đây.

- Việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm do chính chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài, mặc dù không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp (nhập khẩu song song) không bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và không bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp từ 15/11/2024

Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 06/2024/TT-BKHCN) như sau: 

- Chủ thể có quyền kiến nghị xử lý hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn là chủ thể kinh doanh đã sử dụng trước các chỉ dẫn thương mại quy định tại Khoản 2 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 một cách rộng rãi, ổn định trong hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, được người tiêu dùng biết đến uy tín của chủ thể kinh doanh và hàng hóa, dịch vụ mang chỉ dẫn thương mại đó.

- Chỉ dẫn thương mại quy định tại Khoản 2 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 gồm các đối tượng sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý) và các đối tượng sau đây:

+ "Nhãn hàng hoá" là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá.

+ "Khẩu hiệu kinh doanh" là một nhóm từ ngữ xuất hiện bên cạnh tên chủ thể kinh doanh hoặc nhãn hiệu gắn với sản phẩm của chủ thể kinh doanh nhằm nhấn mạnh mục đích hoặc tiêu chí kinh doanh của chủ thể kinh doanh hoặc đối tượng khách hàng mà sản phẩm hướng tới.

+ "Biểu tượng kinh doanh" là ký hiệu, chữ viết, hình vẽ, hình khối được thiết kế một cách độc đáo và được coi là biểu tượng của chủ thể kinh doanh sử dụng trong hoạt động kinh doanh.

+ “Kiểu dáng bao bì của hàng hóa” là thiết kế, trang trí bao bì hàng hóa, gồm hình dạng, đường nét, hình vẽ, chữ, số, màu sắc, cách trình bày, cách phối hợp màu sắc, cách bố trí, kết hợp giữa các yếu tố nói trên tạo nên ấn tượng riêng hay nét đặc trưng của bao bì hàng hóa.

- Chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn là chỉ dẫn thương mại chứa các dấu hiệu (yếu tố cấu thành, cách trình bày, cách kết hợp giữa các yếu tố, màu sắc, ấn tượng tổng quan đối với người tiêu dùng) trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với chỉ dẫn thương mại tương ứng của chủ thể quyền kiến nghị xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh được sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự.

Việc sử dụng chỉ dẫn nêu trên nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ, xuất xứ địa lý, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ, hoặc về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

- Chủ thể kiến nghị xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn phải cung cấp các chứng cứ chứng minh:

+ Chủ thể kinh doanh đã sử dụng chỉ dẫn thương mại một cách rộng rãi, ổn định, được nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam biết đến, có thể bao gồm: các thông tin về quảng cáo, tiếp thị, trưng bày triển lãm; doanh thu bán hàng; số lượng sản phẩm bán ra; hệ thống đại lý phân phối, liên doanh, liên kết; quy mô đầu tư; đánh giá của các cơ quan nhà nước, phương tiện thông tin đại chúng, bình chọn của người tiêu dùng và các thông tin khác thể hiện uy tín của chủ thể kinh doanh gắn với chỉ dẫn thương mại trong hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam;

+ Bên bị kiến nghị xử lý đã sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, phương tiện quảng cáo.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,278

Bài viết về

lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]