Các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
11/12/2023 10:58 AM

Xin hỏi pháp luật quy định các nghề, công việc nào có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam? - Minh Quân (Bình Dương)

Các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam

Căn cứ Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam bao gồm:

(1) Tiếp xúc trực tiếp với kim loại nặng như Cadimi (CD), chì (Pb), niken (Ni), thủy ngân (Hg) ...

(2) Tiếp xúc với hóa chất công nghiệp như Benzene (C6H6); Toluene (C7H8); Xylene (C6H10), thuốc trừ sâu, diệt cỏ, dung môi hữu cơ, vật liệu sơn.

(3) Tiếp xúc trực tiếp với sóng siêu âm cao tần như sóng ra-đa (radar)…

(4) Vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu nhà máy điện hạt nhân.

(5) Sử dụng chất phóng xạ.

(6) Sản xuất chế biến chất phóng xạ.

(7) Lưu trữ chất phóng xạ và xử lý, lưu trữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

(8) Sử dụng thiết bị bức xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ.

(9) Đóng gói, vận chuyển chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân.

(10) Thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ.

(11) Thực hiện các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử có khả năng tiếp xúc trực tiếp với bức xạ ion hóa.

Các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam

Các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam (Hình từ internet)

Trách nhiệm thực hiện danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam

Căn cứ quy định tại Điều 11 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH thì trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam cụ thể như sau:

- Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam:

+ Thực hiện công bố công khai để người lao động biết về những nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản đang có tại nơi làm việc (gọi tắt là nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản);

+ Cung cấp đầy đủ thông tin về tác hại cũng như các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại của các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản để người lao động lựa chọn, quyết định làm việc; thực hiện khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật, khi sử dụng người lao động làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản.

- Trách nhiệm của người lao động trong việc thực hiện danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam::

+ Tìm hiểu kỹ về nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản để xem xét, quyết định việc giao kết, sửa đổi, bổ sung và thực hiện hợp đồng lao động theo quy định;

+ Tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động khi làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản theo hợp đồng lao động.

Quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động

Quyền và nghĩa vụ của người lao động được quy định cụ thể tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

(i) Người lao động có các quyền sau đây:

- Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

- Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;

- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

- Đình công;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

(ii) Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:

- Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;

- Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;

- Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,062

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]