Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
17/10/2023 11:01 AM

Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế gồm những gì? Cơ quan nào có thẩm quyền bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế? – Thu Thủy (Thái Bình)

Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế

Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế

Trong các trường hợp sau đây, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế:

(i) Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;

(ii) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế;

(iii) Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng;

(iv) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

(v) Việc sử dụng sáng chế nhằm đáp ứng nhu cầu về dược phẩm để phòng bệnh, chữa bệnh của quốc gia khác có đủ điều kiện nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Lưu ý: Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế có quyền yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng khi căn cứ chuyển giao không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện với điều kiện việc chấm dứt quyền sử dụng đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

(Điêu 145 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được bổ sung bởi khoản 56 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022)

2. Thẩm quyền bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế

Thẩm quyền bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế được quy định tại khoản 1 Điều 147 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 58 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 như sau:

- Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trên cơ sở xem xét yêu cầu được chuyển giao quyền sử dụng đối với trường hợp (ii), (iii), (iv).

- Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình trong trường hợp (i), (v) trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc

- Quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải phù hợp với các điều kiện sau đây:

+ Quyền sử dụng được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền;

+ Quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục tiêu chuyển giao, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 145 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Đối với sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thì việc chuyển giao quyền sử dụng chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc nhằm xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;

+ Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác;

+ Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế khoản tiền đền bù theo thỏa thuận, trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ, trừ trường hợp quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc để nhập khẩu dược phẩm theo cơ chế của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và khoản tiền đền bù cho việc sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc đã được trả tại nước xuất khẩu;

+ Quyền sử dụng được chuyển giao chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước, trừ trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 145 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

- Ngoài các điều trên, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 137 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế cơ bản cũng được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phụ thuộc với những điều kiện hợp lý;

+ Người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản không được chuyển nhượng quyền đó, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với toàn bộ quyền đối với sáng chế phụ thuộc.

(Điều 146 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 57 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,324

Bài viết về

lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn