Các trường hợp bị đình chỉ hành nghề khám chữa bệnh năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
07/10/2023 14:00 PM

Xin hỏi các trường hợp bị đình chỉ hành nghề khám chữa bệnh năm 2024? Khi nào bị thu hồi giấy phép hành nghề khám chữa bệnh? - Bảo Ngọc (Đồng Tháp)

Các trường hợp bị đình chỉ hành nghề khám chữa bệnh năm 2024 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp bị đình chỉ hành nghề khám chữa bệnh năm 2024

Theo Điều 34 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định người hành nghề bị đình chỉ hành nghề trong các trường hợp sau đây:

- Bị Hội đồng chuyên môn quy định tại mục 3 xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải đình chỉ hành nghề nhưng chưa đến mức bị thu hồi giấy phép hành nghề;

- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận có vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhưng chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề;

- Không đủ sức khỏe để hành nghề.

Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe, người hành nghề bị đình chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng.

Sau khi bị đình chỉ hành nghề, tùy tính chất, mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật mà người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa theo kết luận của Hội đồng chuyên môn quy định tại mục 3.

2. Khi nào bị thu hồi giấy phép hành nghề khám chữa bệnh?

- Giấy phép hành nghề bị thu hồi trong trường hợp sau đây:

+ Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định;

+ Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề;

+ Cấp sai chức danh chuyên môn hoặc phạm vi hành nghề trong giấy phép hành nghề so với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề;

+ Người hành nghề không hành nghề trong thời gian 24 tháng liên tục, trừ trường hợp tham gia chương trình đào tạo chuyên khoa;

+ Người hành nghề thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề quy định tại các khoản 1,2, 3, 4 và 6 Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023;

+ Người hành nghề bị Hội đồng chuyên môn quy định tại mục 3 xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề;

+ Người hành nghề lần thứ hai bị Hội đồng chuyên môn quy định tại mục 3 xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải đình chỉ hành nghề trong thời hạn của giấy phép hành nghề;

+ Người hành nghề lần thứ hai bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là có vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến mức phải đình chỉ hành nghề trong thời hạn của giấy phép hành nghề;

+ Người hành nghề tự đề nghị thu hồi giấy phép hành nghề;

+ Trường hợp khác do Chính phủ quy định sau khi đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Sau khi thu hồi giấy phép hành nghề, trường hợp muốn tiếp tục hành nghề, người hành nghề phải đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề hoặc đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề khi thuộc trường hợp người bị thu hồi giấy phép hành nghề thuộc trường hợp cấp mới theo quy định của Chính phủ.

(Điều 35 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023)

3. Khi nào thành lập Hội đồng chuyên môn?

Căn cứ theo Điều 101 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định Hội đồng chuyên môn như sau:

- Khi xảy ra tai biến y khoa mà có tranh chấp cần giải quyết, theo đề nghị của người bệnh, người đại diện của người bệnh hoặc của người hành nghề thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định người hành nghề có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.

- Hội đồng chuyên môn bao gồm các thành phần sau đây:

+ Chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn phù hợp;

+ Chuyên gia thuộc các chuyên khoa, chuyên ngành khác có liên quan đến tai biến y khoa.

- Việc trưng cầu các chuyên gia tham gia Hội đồng chuyên môn phải bảo đảm khách quan, không xung đột lợi ích theo quy định của pháp luật.

- Hội đồng chuyên môn được thành lập trong các trường hợp sau đây:

+ Hội đồng chuyên môn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự thành lập theo quy định tại quy định. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không tự thành lập được Hội đồng chuyên môn thì phải đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập;

+ Hội đồng chuyên môn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập trong trường hợp có đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản này hoặc có đề nghị bằng văn bản của bên tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của Hội đồng chuyên môn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự thành lập;

+ Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập trong trường hợp có đề nghị bằng văn bản của bên tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của Hội đồng chuyên môn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập.

- Hội đồng chuyên môn hoạt động theo các nguyên tắc sau đây:

+ Hội đồng chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc thảo luận tập thể, quyết định theo đa số và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình;

+ Kết luận của Hội đồng chuyên môn là cơ sở để giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biến y khoa và là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người hành nghề;

+ Kết luận của Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập là kết luận cuối cùng về việc có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.

- Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng chuyên môn và trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biến y khoa.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,807

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn