Thẩm quyền phạt tiền tối đa của Chủ tịch UBND các cấp về xây dựng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
23/09/2023 14:30 PM

Xin hỏi thẩm quyền phạt tiền tối đa của Chủ tịch UBND các cấp về xây dựng được quy định như thế nào? - Phương Uyên (Khánh Hòa)

Thẩm quyền phạt tiền tối đa của Chủ tịch UBND các cấp về xây dựng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1.  Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 

- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ 38 đến 51 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định tại  Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đối với chức danh đó.

Trong trường hợp phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong khu vực nội thành thuộc các lĩnh vực quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thì các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quy định áp dụng trong nội thành.

- Thẩm quyền phạt tiền quy định tại nêu trên được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các điều từ 39 đến 51 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý.

Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

- Trường hợp vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:

+ Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

+ Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;

+ Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

(Điều 52 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)

2. Thẩm quyền phạt tiền tối đa của Chủ tịch UBND các cấp về xây dựng

2.1 Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

- Cảnh cáo.

- Phạt tiền đến 10.000.000 đồng.

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng.

- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 4 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

(Điều 78 Nghị định 16/2022/NĐ-CP)

2.2 Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Cảnh cáo.

- Phạt tiền đến 200.000.000 đồng.

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

(Điều 79 Nghị định 16/2022/NĐ-CP)

2.3 Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

- Cảnh cáo.

- Phạt tiền:

+ Đến 300.000.000 đồng đối với hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà;

+ Đến 1.000.000.000 đồng đối với hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản.

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

(Điều 80 Nghị định 16/2022/NĐ-CP)

Như vậy, theo quy định nêu trên, thẩm quyền phạt tiền tối đa của Chủ tịch UBND các cấp về xây dựng như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền xử phạt hành chính về xây dựng cao nhất là 10.000.000 đồng.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện có thẩm quyền xử phạt hành chính về xây dựng cao nhất là 200.000.000 đồng.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền xử phạt hành chính về xây dựng cao nhất là 300.000.000 đồng đối với hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà; Và 1.000.000.000 đồng đối với hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,813

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn