Đi xuất khẩu lao động có phải đóng BHXH ở Việt Nam không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
02/09/2023 14:00 PM

Xin hỏi đi xuất khẩu lao động có phải đóng BHXH ở Việt Nam không? Mức đóng và phương thức đóng BHXH đối với người đi xuất khẩu lao động quy định thế nào? - Bảo An (Long An)

Đi xuất khẩu lao động có phải đóng BHXH ở Việt Nam không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đi xuất khẩu lao động có phải đóng BHXH ở Việt Nam không?

Theo điểm g khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo quy định này thì người đi xuất khẩu lao động nước ngoài theo hợp đồng vẫn phải đóng BHXH tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo điểm g khoản 1 Điều 6 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 quy định: Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Do đó, nếu người đi xuất khẩu lao động đã đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân ở nước tiếp nhận lao động thì không cần phải đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam, nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

2. Mức đóng và phương thức đóng BHXH đối với người đi xuất khẩu lao động 

Mức đóng và phương thức đóng BHXH đối với người đi xuất khẩu lao động quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau: 

- Mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

- Phương thức đóng được thực hiện 3 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo phương thức quy định tại Điều này hoặc truy nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội sau khi về nước.

3. Tạm dừng đóng BHXH bắt buộc đối với người đi xuất khẩu lao động 

- Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được quy định như sau:

+ Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng;

+ Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

- Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

(Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,618

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn