Tuyển người học nghề có phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
04/08/2023 18:30 PM

Xin hỏi tuyển người học nghề có phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp không? Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động và người lao động quy định như thế nào? - Mai Linh (Long An)

Tuyển người học nghề có phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tuyển người học nghề có phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp không?

Theo Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định học nghề cho người sử dụng lao động như sau:

- Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

- Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

- Người học nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề. Người học nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.

- Trong thời gian học nghề, nếu người học nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.

- Hết thời hạn học nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Như vậy, theo quy định nêu trên người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. 

2. Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động và người lao động 

- Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

- Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Nghề đào tạo;

+ Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;

+ Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;

+ Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

+ Trách nhiệm của người sử dụng lao động;

+ Trách nhiệm của người lao động.

(Khoản 1, 2 Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2019)

3. Chi phí đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động và người lao động

Chi phí đào tạo nghề giữ người sử dụng lao động và người lao động được quy định tại khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:

- Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. 

Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,425

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn