Vàng miếng là gì? Được mua bán vàng miếng tại những địa điểm nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
31/07/2023 08:00 AM

Vàng miếng là gì? Và cho tôi hỏi được mua bán vàng miếng tại những địa điểm nào? - Hồng Phương (Cần Thơ)

Vàng miếng là gì? Được mua bán vàng miếng tại những địa điểm nào?

Vàng miếng là gì? Được mua bán vàng miếng tại những địa điểm nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Vàng miếng là gì?

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây được gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.

2. Được mua bán vàng miếng tại những địa điểm nào?

Theo Điều 10 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

3. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng

Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng theo Điều 11 Nghị định 24/2012/NĐ-CP như sau:

- Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

+ Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.

+ Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.

+ Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).

+ Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

- Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.

+ Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.

+ Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

4. Trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng

Theo Điều 12 Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng có trách nhiệm:

- Chỉ được phép mua, bán các loại vàng miếng quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

- Không được phép thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.

- Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ.

- Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng.

- Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.

- Tuân thủ các quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

5. Nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP như sau:

- Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.

- Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

- Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

- Quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

- Hoạt động phái sinh về vàng của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo Điều 105 Luật Các tổ chức tín dụng.

- Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại khoản 6, 7, 8 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. 

Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,320

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn