Điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
27/06/2023 10:01 AM

Tôi muốn mở vũ trường thì điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường là gì? Nguyên tắc kinh doanh dịch vụ vũ trường như thế nào? – Thái Vũ (Sóc Trăng)

Điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường năm 2023

Điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường năm 2023 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Dịch vụ vũ trường là gì?

Dịch vụ vũ trường là dịch vụ cung cấp sàn nhảy, sân khấu, âm thanh, ánh sáng phục vụ cho hoạt động khiêu vũ, ca hát hoặc chương trình nghệ thuật tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường theo quy định của Nghị định 54/2019/NĐ-CP.

(Khoản 2 Điều 2 Nghị định 54/2019/NĐ-CP)

2. Nguyên tắc kinh doanh dịch vụ vũ trường

- Doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh chỉ được kinh doanh dịch vụ vũ trường sau khi được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh và bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định 54/2019/NĐ-CP, các quy định của pháp luật khác có liên quan.

- Bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ vũ trường.

- Không lợi dụng hoạt động kinh doanh làm phát sinh tệ nạn xã hội, tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác.

(Điều 3 Nghị định 54/2019/NĐ-CP)

3. Điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường năm 2023

Điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường bao gồm:

- Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

- Phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên, không kể công trình phụ.

- Không được đặt chốt cửa bên trong phòng vũ trường hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).

- Địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200 m trở lên.

(Điều 5 Nghị định 54/2019/NĐ-CP)

4. Trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ vũ trường

- Trách nhiệm chung của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ vũ trường

+ Chấp hành pháp luật lao động với người lào động theo quy định của pháp luật. Cung cấp trang phục, biển tên cho người lao động.

+ Bảo đảm đủ điều kiện cách âm và âm thanh thoát ra ngoài phòng hát hoặc phòng vũ trường phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

+ Tuân thủ quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu.

+ Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

+ Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; bản quyền tác giả; hợp đồng lao động; an toàn lao động; bảo hiểm; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

- Trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ vũ trường:

+ Không được hoạt động từ 02 giờ sáng đến 08 giờ sáng.

+ Không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi.

+ Trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện theo quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.

(Điều 6, Điều 8 Nghị định 54/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm d khoản 2 Điều 31 Nghị định 144/2020/NĐ-CP)

5. Trách nhiệm của các Bộ về kinh doanh dịch vụ vũ trường

- Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

+ Chịu trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ vũ trường;

+ Chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh dịch vụ vũ trường;

+ Thực hiện công bố, công khai các thủ tục hành chính của kinh doanh dịch vụ vũ trường theo quy định của pháp luật;

+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong kinh doanh dịch vụ vũ trường;

+ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đối với kinh doanh dịch vụ vũ trường;

+ Thực hiện công tác thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật.

- Trách nhiệm của Bộ Công an:

+ Chịu trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về an ninh, trật tự; phòng, chống tội phạm; phòng, chống cháy nổ tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường;

+ Thực hiện công tác thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật.

- Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn về phí thẩm định cấp, điều chỉnh Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn về việc bảo đảm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường.

- Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về công tác quản lý hoạt động khuyến mại, tiếp thị, kinh doanh rượu, bia và các hàng hóa, dịch vụ khác thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của Bộ Công Thương tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước về lao động, phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bảo đảm thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ vũ trường.

(Điều 18 Nghị định 54/2019/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,947

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]