Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân bị xử thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
12/06/2023 08:05 AM

Xin hỏi theo quy định của pháp luật thì trường hợp một người phạm tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân sẽ bị xử như thế nào? – Văn Tuấn (Gia Lai)

Hình phạt đối với người phạm tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân

Căn cứ quy định tại Điều 113 Bộ luật hình sự 2015 và Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì người phạm tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân sẽ bị xử phạt như sau:

- Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

+ Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;

+ Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;

+ Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

+ Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

-  Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Người chuẩn bị phạm tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo quy định nêu trên.

Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân bị xử thế nào?

Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân bị xử thế nào? (Hình từ internet)

Dấu hiệu cấu thành tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân

Dấu hiệu cấu thành tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được thể hiện thông qua các mặt khách thể, chủ thể, khách quan, chủ quan sau đây:

(1) Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, an ninh đối nội, an ninh đối ngoại, tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tinh thần của của cán bộ, công chức hoặc người khác.

(2) Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là một trong các hành vi cụ thể sau đây:

- Xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác.

- Phá hủy, chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố.

- Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố.

Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có thể gây ra hai hậu quả sau đây:

- Hậu quả trực tiếp: gây chết người, thương tích, tự do thân thể, tinh thần bị xâm hại; tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xâm hại.

- Hậu quả gián tiếp: thông qua việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, tự do thân thể của cán bộ, công chức hay người khác, người phạm tội có thể làm suy yếu chính quyền nhân dân (hậu quả này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm).

Đối tượng tác động của tội phạm này là tính mạng, sức khỏe, tinh thần của bất cứ người nào; tài sản của bất kì cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.

Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, không phải là dấu hiệu định tội mà chỉ có thể là dấu hiệu trong xem xét quyết định hình phạt.

(3) Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và đã thực hiện hành vi phạm tội.

(4) Mặt chủ quan của tội phạm

Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, thấy trước được hậu quả của tội phạm là gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc xâm phạm đến tự do thân thể, uy hiếp tinh thần của người khác và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.

Mục đích của người phạm tội là chống chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và là dấu hiệu để phân biệt tội phạm này với tội khủng bố quy định tại Điều 299 Bộ luật hình sự năm 2015.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 26,772

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]