1. Quy định áp dụng Bộ luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội (người dưới 18 tuổi phạm tội)
Điều 90 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
Áp dụng Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), một số nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:
- Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương XII:
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134; Điều 141; Điều 171; Điều 248; Điều 249; Điều 250; Điều 251; Điều 252.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123; Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6; Điều 141, Điều 142; Điều 144; Điều 150; Điều 151; Điều 168; Điều 171; Điều 248; Điều 249; Điều 250; Điều 251; Điều 252.
+ Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.
- Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
- Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
- Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội (Hình từ internet)
3. Các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Theo Điều 98 - Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm:
(1) Cảnh cáo
(2) Phạt tiền
Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.
Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định.
(3) Cải tạo không giam giữ
- Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.
- Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó.
Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.
(4) Tù có thời hạn
Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
- Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
- Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
4. Tổng hợp văn bản quan trọng về Trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) phạm tội
1
Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 số 12/2017/QH14 có hiệu lực từ 01/01/2018, sửa đổi các quy định về nguyên tắc xử lý; chế tài xử phạt Khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cải tạo không giam giữ, xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại các khoản từ 14-19 Điều 1 Luật này.
2
Bộ luật hình sự 2015
Bộ luật hình sự 2015 số 100/2015/QH13 có hiệu lực từ 01/01/2018, quy định các nội dung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Điều 12 (Tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Chương XII (Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội).
3
Nghị định 37/2018/NĐ-CP về hướng dẫn biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự
Nghị định 37/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/03/2018, quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; quyền và nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục; trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; trách nhiệm của các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục.
4
Thông tư 53/2020/TT-BTC về hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện việc giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 53/2020/TT-BTC có hiệu lực ngày 01/08/2020, quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện việc giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Nghị định 37/2018/NĐ-CP hướng dẫn các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
5
Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực ngày 15/07/2024, hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Tại Khoản 4 Điều 5 Nghị quyết này quy định nội dung về giảm mức hình phạt đã tuyên quy định tại Điều 63 của Bộ luật Hình sự liên quan đên người dưới 18 tuổi phạm tội.
6
Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định tại khoản 3 điều 7 Bộ Luật hình sự 100/2015/QH13 do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực ngày 01/08/2016, hướng dẫn áp dụng quy định tại khoản 3 điều 7 Bộ Luật hình sự 100/2015/QH13. Tại Điều 4 Nghị quyết này quy định về việc xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
7
Nghị quyết 41/2017/QH14 thi hành Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 94/2015/QH13 do Quốc hội ban hành
Nghị quyết 41/2017/QH14 có hiệu lực ngày 05/07/2017, thi hành Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 94/2015/QH13.
Tại Điểm e Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết này quy định không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 14 của BLHS 2015, đối với người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm các tội mà không được quy định tại khoản 2 Điều 14 của BLHS 2015; nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
8
Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực ngày 01/07/2018, hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo.
Tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 3 Nghị quyết này đã được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP quy định những trường hợp không cho hưởng án treo:
- Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
- Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
9
Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng điều 66 và điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân ân tối cao ban hành
Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực ngày 09/06/2018, hướng dẫn áp dụng điều 66 và điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Tại Điều 4 Nghị quyết này quy định điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù.