Chế độ học nghề của phạm nhân từ ngày 15/11/2024 (Hình từ internet)
Ngày 30/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 118/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2019.
Chế độ học nghề của phạm nhân được quy định tại Điều 15 Nghị định 118/2024/NĐ-CP như sau:
- Căn cứ vào khả năng, trình độ văn hóa, sức khỏe, giới tính của phạm nhân, thị trường lao động, điều kiện cụ thể và khả năng hợp tác với tổ chức, cá nhân, trại giam tổ chức dạy những nghề phổ thông, đơn giản hoặc tổ chức bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho phạm nhân; trại giam hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp (có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật) để tổ chức dạy nghề, nâng cao tay nghề, truyền nghề cho phạm nhân.
- Phạm nhân là người dưới 18 tuổi, phạm nhân trong độ tuổi thanh niên đến 30 tuổi chưa có nghề nghiệp, phạm nhân có mức án dưới 05 năm và chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù được ưu tiên bố trí học nghề, nâng cao tay nghề. Mỗi phạm nhân chỉ được học 01 nghề.
- Kế hoạch dạy nghề, chương trình dạy nghề cho phạm nhân.
+ Căn cứ vào chỉ tiêu nguồn vốn, kế hoạch năm, trại giam xây dựng kế hoạch dạy nghề của đơn vị mình gửi về Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý), Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý) để phê duyệt.
Nội dung kế hoạch dạy nghề bao gồm căn cứ pháp lý, ngành nghề đào tạo, số lớp, số lượng học viên là phạm nhân học nghề, địa điểm tổ chức, hình thức đào tạo, trình độ và dự kiến thời gian đào tạo, dự toán kinh phí dạy nghề, nguồn vốn cấp. Phạm nhân học nghề được đào tạo trình độ sơ cấp hoặc đào tạo thường xuyên;
+ Chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp cho phạm nhân: Chương trình đào tạo tối thiểu là 300 giờ với 03 đơn vị học tập bao gồm kiến thức nghề, kỹ năng thực hành, thái độ với nghề được học, thời gian thực hiện từ 03 tháng đến dưới 01 năm.
Nội dung, cấu trúc của chương trình đào tạo trình độ sơ cấp phải đảm bảo tính khoa học, hệ thống, thực tiễn, sử dụng từ ngữ nhất quán, dễ hiểu và tương đương mục tiêu đào tạo trình độ sơ cấp theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 4 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, phù hợp với khung trình độ, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia;
+ Chương trình đào tạo nghề thường xuyên cho phạm nhân: Phạm nhân được học nghề theo hình thức truyền nghề, kèm cặp nghề, tập nghề, có thời gian thực học từ 100 giờ đến dưới 300 giờ và thời gian khóa học đến dưới 03 tháng.
Chương trình đào tạo thường xuyên đảm bảo giúp người học có năng lực thực hiện được các công việc của nghề, tăng năng suất lao động, phạm nhân học xong tự thực hiện được công việc đơn giản, một hoặc một số phần công việc của một nghề, có hiểu biết về an toàn, vệ sinh lao động;
+ Chương trình, nội dung đào tạo nghề được Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo thẩm định và người đứng đầu cơ sở đào tạo phê duyệt và ban hành.
- Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng căn cứ điều kiện thực tế và thị trường lao động quy định các ngành, nghề đào tạo cho phạm nhân.
Theo Điều 13 Nghị định 118/2024/NĐ-CP quy định chế độ dạy văn hóa cho phạm nhân như sau:
- Các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức dạy chương trình xóa mù chữ cho phạm nhân chưa biết chữ hoặc tái mù chữ. Đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi chưa biết chữ hoặc chưa học xong chương trình tiểu học thì thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học là bắt buộc; chưa học xong trung học cơ sở thì căn cứ hồ sơ phạm nhân, học bạ để tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở phù hợp với điều kiện của đơn vị mình.
Khuyến khích phạm nhân tự học văn hóa, phạm nhân là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt tự nghiên cứu, học tập tiếng Việt. Phạm nhân đang học văn hóa mà hết thời hạn chấp hành án phạt tù thì được bảo lưu kết quả học tập để có thể tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
- Tùy theo chương trình mà sử dụng sách giáo khoa, tài liệu dạy và học phù hợp theo quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian học văn hóa của phạm nhân tối thiểu 02 buổi/tuần, mỗi buổi 4 giờ do Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định, trừ các ngày Chủ nhật, lễ, Tết. Cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức các lớp học văn hóa cho phạm nhân và dạy nói tiếng Việt cho phạm nhân không nói được tiếng Việt (tiếng phổ thông);
Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng nhận thức của phạm nhân quyết định hình thức, thời gian, phương pháp dạy cho phù hợp. Nhà nước khuyến khích gia đình phạm nhân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ sách giáo khoa, vở, tài liệu, đồ dùng học tập, sách, báo, dụng cụ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí cho phạm nhân nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
- Giáo viên dạy văn hóa cho phạm nhân là cán bộ, chiến sĩ của các cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc của các cơ sở giáo dục địa phương. Những phạm nhân đã cải tạo tiến bộ, có trình độ học vấn, khả năng sư phạm, nhân thân tốt, không phải là đối tượng chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu, lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ, hung hăng, mắc bệnh truyền nhiễm, có tiền sử nghiện ma túy hoặc không phải là phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia thì có thể bố trí hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ dạy văn hóa cho phạm nhân. Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xác nhận hoàn thành kỳ học (nếu phạm nhân chưa hoàn thành Chương trình xóa mù chữ), hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1, giai đoạn 2 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phạm nhân.
- Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi có cơ sở giam giữ phạm nhân phối hợp thực hiện việc dạy văn hóa cho phạm nhân, chỉ đạo các cơ sở giáo dục cử giáo viên đến dạy văn hóa cho phạm nhân; quản lý, chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phạm nhân; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho cán bộ, chiến sĩ dạy văn hóa cho phạm nhân. Cơ sở giam giữ phạm nhân bố trí hội trường hoặc phòng học đảm bảo điều kiện dạy và học cho học viên là phạm nhân.