Điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
08/05/2023 15:30 PM

Cho tôi hỏi điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu được quy định như thế nào? - Lan Anh (Hải Phòng)

Điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu

Điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu?

Theo khoản 17 Điều 3 Thông tư 22/2019/TT-NHNN, cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là việc ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng hoặc ủy thác cấp tín dụng theo quy định của pháp luật cho khách hàng để khách hàng hoặc pháp nhân, cá nhân khác sử dụng nguồn vốn vào mục đích đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, sở hữu cổ phần.

2. Điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cấp tín dụng với thời hạn đến 01 (một) năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu và khi cấp tín dụng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

(i) Việc cấp tín dụng phải đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật;

(ii) Có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%;

(iii) Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

* Lưu ý: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

(Khoản 1, 3 Điều 12 Thông tư 22/2019/TT-NHNN)

3. Các trường hợp không được cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu

Căn cứ tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 22/2019/TT-NHNN, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trong các trường hợp sau đây:

- Tài sản bảo đảm là cổ phiếu của tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng;

- Tài sản bảo đảm là cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành mà khách hàng vay để mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó;

- Để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của tổ chức tín dụng;

- Khách hàng thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017);

- Khách hàng là người có liên quan của các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017);

- Khách hàng là đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017), khách hàng là người có liên quan của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017);

- Khách hàng là công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng.

4. Quy định về quản lý cấp tín dụng của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Việc quản lý hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định như sau:

(1) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quản lý hoạt động cấp tín dụng theo quy định của pháp luật và Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay để bảo đảm việc sử dụng vốn vay đúng mục đích quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-NHNN.

(2) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập, cập nhật ngay khi có thay đổi danh sách cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, thành viên góp vốn, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, người điều hành và các chức danh quản lý khác theo quy định của pháp luật, điều lệ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng và những người có liên quan của những người này. 

Danh sách này phải được công khai trong toàn hệ thống của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm a, b khoản 6 Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-NHNN.

(3) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo cho:

- Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên các khoản cấp tín dụng cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) phát sinh đến thời điểm lấy số liệu để họp Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên;

- Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, người quản lý, người điều hành khi phát sinh khoản cấp tín dụng cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017);

- Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo thống kê các khoản cấp tín dụng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017).

(4) Khoản cấp tín dụng cho công ty con, công ty liên kết và đối tượng trong danh sách quy định tại (2) (trừ trường hợp không được cấp tín dụng quy định tại Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017)):

Phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên (đối với ngân hàng), Tổng giám đốc/Giám đốc (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua, trừ khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. 

Ban kiểm soát phải giám sát việc phê duyệt cấp tín dụng đối với các đối tượng này.

(Điều 13 Thông tư 22/2019/TT-NHNN)

Nguyễn Thị Hoài Thương

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,657

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn