Công đoàn Việt Nam là gì? Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
15/12/2022 12:00 PM

Công đoàn Việt Nam là gì? Và thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam quy định ra sao? - Khiết Minh (Tây Ninh)

Công đoàn Việt Nam là gì? Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam

Công đoàn Việt Nam là gì? Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Công đoàn Việt Nam là gì?

Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ ngày 03/02/2020 thì Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, do người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích:

Tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết quốc tế, vì hoà bình, dân chủ, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

2. Đối tượng và điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam

Đối tượng và điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam theo Hướng dẫn 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 như sau:

* Đối tượng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam

Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp; cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp. 

Đối với cơ quan xã, phường, thị trấn bao gồm những người hưởng lương, định suất lương, phụ cấp, đang làm việc trong cơ quan hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.

- Người lao động làm công hưởng lương đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Người lao động đang làm việc trong các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

- Người lao động tự do, hợp pháp thuộc khu vực lao động phi chính thức, nếu có nguyện vọng, được gia nhập Công đoàn Việt Nam và được sinh hoạt theo hình thức nghiệp đoàn cơ sở.

- Người lao động được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước, đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

* Đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam:

- Người nước ngoài lao động tại Việt Nam;

- Người lao động làm công tác quản lý trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, bao gồm: 

Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty;

- Hiệu trưởng, viện trưởng; phó hiệu trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

- Xã viên trong các hợp tác xã nông nghiệp;

- Người đang trong thời gian chấp hành các hình phạt tù theo quyết định của tòa án;

* Người đang là đoàn viên hoặc cán bộ công đoàn, khi chuyển sang đảm nhiệm vị trí thuộc đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam tại điểm b, điểm c mục 3.2 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 thì:

Đương nhiên thôi là đoàn viên, thôi là cán bộ công đoàn. Trường hợp có nguyện vọng tiếp tục được tham gia sinh hoạt công đoàn, do ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét công nhận là đoàn viên danh dự. 

Người là đoàn viên danh dự có quyền và nhiệm vụ như đoàn viên công đoàn trừ quyền biểu quyết các công việc của tổ chức công đoàn, quyền ứng cử, đề cử, bầu cử đại biểu chính thức dự đại hội công đoàn cấp trên và các cơ quan lãnh đạo của tổ chức công đoàn.

* Khuyến khích người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam, tham gia các hình thức tập hợp của tổ chức Công đoàn Việt Nam như sau:

- Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trên cơ sở quy định của luật pháp quốc gia sở tại cho phép thì liên kết để hình thành hội hoặc câu lạc bộ của người lao động Việt Nam, được Công đoàn Việt Nam hỗ trợ cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến quyền của người lao động, các hình thức bảo vệ, tự bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam ở nước ngoài; 

Thông tin về Công đoàn Việt Nam và chương trình hợp tác của Công đoàn Việt Nam với tổ chức công đoàn nước sở tại (nếu có) trong việc hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

- Người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam hình thành các câu lạc bộ để tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện, hoạt động quần chúng, được Công đoàn Việt Nam hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các chương trình từ thiện, các phong trào thi đua do công đoàn phát động; 

Được động viên, thăm hỏi, hỗ trợ khi có khó khăn vướng mắc hoặc khi có đề nghị của công đoàn quốc tế có quan hệ hợp tác với Công đoàn Việt Nam.

3. Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam

Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam theo Hướng dẫn 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 như sau:

- Người gia nhập công đoàn phải tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam, đơn phải có chữ ký của người viết đơn (bao gồm chữ ký điện tử). Trường hợp đơn của tập thể người lao động phải có chữ ký của từng người lao động.

- Nơi đã có công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (sau đây gọi chung là công đoàn cơ sở), ban chấp hành công đoàn cơ sở nhận đơn, xem xét, quyết định kết nạp và tổ chức lễ kết nạp đoàn viên.

+ Trong buổi lễ có thể cùng lúc kết nạp nhiều đoàn viên; những người được kết nạp phải có mặt tại buổi lễ (trừ trường hợp vắng có lý do chính đáng), công đoàn cơ sở công bố quyết định kết nạp đoàn viên, trao quyết định và trao thẻ cho đoàn viên công đoàn (nếu có).

+ Những đơn vị có đông đoàn viên, ban chấp hành công đoàn cơ sở có thể ủy quyền cho công đoàn cơ sở thành viên hoặc công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận (gọi chung là công đoàn bộ phận), tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn (gọi chung là tổ công đoàn) trực thuộc tổ chức lễ kết nạp đoàn viên.

- Nơi chưa có công đoàn cơ sở:

+ Người lao động nộp đơn xin gia nhập công đoàn cho công đoàn cấp trên nơi gần nhất hoặc ban vận động thành lập công đoàn cơ sở (nếu có).

++ Trường hợp nộp đơn cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nộp đơn, công đoàn cấp trên phải xem xét, quyết định việc kết nạp hoặc không kết nạp đoàn viên và giới thiệu nơi sinh hoạt cho đoàn viên khi có quyết định kết nạp.

++ Trường hợp người lao động nộp đơn cho ban vận động: Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nộp đơn, nếu nơi người lao động có đơn xin gia nhập công đoàn, chưa đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở thì:

Người lao động có quyền chuyển đơn lên công đoàn cấp trên xem xét, quyết định kết nạp đoàn viên và được giới thiệu sinh hoạt tại công đoàn cơ sở gần nơi đoàn viên đang làm việc nhất, cho đến khi công đoàn cơ sở tại nơi làm việc được thành lập.

+ Trường hợp có đủ người lao động liên kết thành lập công đoàn cơ sở theo quy định, thì ban vận động tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở và đề nghị công đoàn cấp trên công nhận theo quy định tại Mục 12.1 và 12.2 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020.

+ Việc kết nạp lại đoàn viên công đoàn: Đoàn viên đã ra khỏi tổ chức công đoàn, nếu có nguyện vọng gia nhập lại tổ chức Công đoàn Việt Nam phải có đơn xin ra nhập lại gửi công đoàn cơ sở nơi làm việc. 

Ban chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm xem xét, thẩm định nếu đủ điều kiện thì đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp quyết định kết nạp lại.

- Sử dụng thẻ đoàn viên công đoàn trong các trường hợp sau:

+ Biểu quyết tại đại hội, hội nghị của tổ chức công đoàn khi cần thiết.

+ Xuất trình thẻ đoàn viên khi: Chuyển sinh hoạt công đoàn; tham gia các hoạt động do công đoàn tổ chức (khi có yêu cầu); cần tư vấn, giúp đỡ của công đoàn các cấp.

+ Xuất trình thẻ đoàn viên với công đoàn cấp trên để được tham gia sinh hoạt tạm thời khi nơi làm việc chưa có tổ chức công đoàn, tổ chức công đoàn nơi làm việc bị giải thể hoặc trong thời gian nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng lao động chưa tìm được việc làm.

+ Sử dụng thẻ đoàn viên để được hưởng ưu đãi khi sử dụng dịch vụ từ các thiết chế công đoàn, các hình thức liên kết, hợp tác khác của công đoàn.

- Công tác quản lý đoàn viên công đoàn:

+ Đoàn viên công đoàn được quản lý thông qua thẻ đoàn viên, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn thống nhất quản lý về phôi thẻ, mã số thẻ, phân cấp cho liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương thực hiện in thẻ đoàn viên.

+ Thẻ đoàn viên được trao trong buổi lễ kết nạp hoặc sau khi được kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đoàn viên nhận thẻ phải thực hiện đúng nguyên tắc sử dụng thẻ đoàn viên, khi mất hoặc hỏng phải báo ngay với công đoàn cơ sở nơi đang sinh hoạt để được cấp lại hoặc đổi thẻ đoàn viên.

Khi phát hiện thẻ đoàn viên giả phải báo cáo kịp thời với công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên.

+ Đoàn viên ra khỏi tổ chức công đoàn, bị khai trừ khỏi tổ chức công đoàn thì công đoàn cơ sở nơi đoàn viên công đoàn đang sinh hoạt hoặc công đoàn cấp trên xóa tên trong danh sách đoàn viên.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,506

Bài viết về

Công đoàn

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn