Biện pháp bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
23/11/2022 07:45 AM

Xin hỏi về biện pháp bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định thế nào? - Khiêm Hoàng (Long An)

Biện pháp bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế xử phạt VPHC

Biện pháp bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế xử phạt VPHC

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Xử phạt vi phạm hành chính là gì?

Theo khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

2. Biện pháp bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính

Theo Điều 36 Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì biện pháp bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính như sau:

- Khi có quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, nếu có dấu hiệu cho thấy cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp cưỡng chế có hành vi tẩu tán hoặc làm hư hại tiền bạc, tài sản thì:

Người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền yêu cầu các cơ quan tổ chức có liên quan, chính quyền địa phương nơi cá nhân bị cưỡng chế cư trú hoặc công tác, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở thực hiện biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tiền bạc, tài sản.

- Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có hành vi chống đối không thực hiện quyết định cưỡng chế sau khi đã vận động, giải thích, thuyết phục nhưng không có hiệu quả thì người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền huy động lực lượng, phương tiện để bảo đảm thi hành cưỡng chế.

- Cá nhân bị cưỡng chế mà chưa thực hiện hoặc trốn tránh thực hiện thì bị đưa vào diện chưa được xuất cảnh.

3. Chuyển việc thi hành quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm thi hành

Chuyển việc thi hành quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm thi hành theo Điều 37 Nghị định 166/2013/NĐ-CP như sau:

- Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở địa bàn cấp tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định cưỡng chế tại nơi thực hiện hành vi vi phạm thì quyết định cưỡng chế được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở để tổ chức thi hành. 

Nếu nơi cá nhân bị cưỡng chế cư trú, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở không có cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp thì quyết định cưỡng chế được chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức thi hành.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế ở địa bàn cấp huyện thuộc phạm vi một tỉnh ở miền núi, hải đảo hoặc những vùng xa xôi, hẻo lánh khác mà việc đi lại gặp khó khăn và cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không có điều kiện chấp hành tại nơi bị ra quyết định cưỡng chế thì quyết định cưỡng chế được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành.

- Cơ quan chuyển việc thi hành cưỡng chế có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan cùng cấp ở địa phương nơi cá nhân cư trú, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở để tổ chức thi hành.

Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo chuyển và hồ sơ vụ việc, cơ quan cùng cấp ở địa phương nơi cá nhân bị cưỡng chế cư trú, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế.

4. Cưỡng chế đối với cá nhân, tổ chức vừa bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính vừa bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả

Cưỡng chế đối với cá nhân, tổ chức vừa bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính vừa bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 38 Nghị định 166/2013/NĐ-CP như sau:

- Trường hợp cá nhân, tổ chức vừa không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, vừa không chấp hành một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, thì:

Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế quy định tại Mục 1, 2, 3 hoặc 4 Chương II và Mục 5 Chương II Nghị định 166/2013/NĐ-CP đối với cá nhân, tổ chức đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

- Trường hợp cá nhân, tổ chức chỉ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả hoặc chỉ chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì:

Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Mục 1, 2, 3 và 4 Chương II hoặc Mục 5 Chương II Nghị định 166/2013/NĐ-CP đối với cá nhân, tổ chức đó.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,680

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn