Sáng kiến là gì? Quy định về công nhận sáng kiến

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
11/11/2022 09:00 AM

Sáng kiến là gì? Việc yêu cầu và tiếp nhận, công nhận sáng kiến được quy định thế nào? - Kim Thu (Bến Tre)

Sáng kiến là gì? Quy định về công nhận sáng kiến

Sáng kiến là gì? Quy định về công nhận sáng kiến

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Sáng kiến là gì?

Theo khoản 1 Điều 1 Điều lệ Sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP thì sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó;

- Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực;

- Không thuộc đối tượng không được công nhận là sáng kiến:

+ Giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội;

+ Giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến.

2. Quy định về công nhận sáng kiến

2.1. Yêu cầu công nhận sáng kiến

Yêu cầu công nhận sáng kiến theo Điều 5 Điều lệ Sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP như sau:

- Tác giả sáng kiến có thể yêu cầu công nhận sáng kiến tại các cơ sở sau đây:

+ Tại cơ sở là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến;

+ Tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, với điều kiện chủ đầu tư tạo ra sáng kiến từ chối công nhận sáng kiến và không có thỏa thuận khác với tác giả sáng kiến;

+ Tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, trong trường hợp tác giả sáng kiến đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

- Đối với giải pháp đã được áp dụng, thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến là 01 năm kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.

- Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến bao gồm các nội dung sau đây:

+ Tên cơ sở được yêu cầu công nhận sáng kiến;

+ Tác giả sáng kiến, hoặc các đồng tác giả sáng kiến (nếu có) và tỷ lệ đóng góp của từng đồng tác giả;

+ Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến;

+ Tên sáng kiến; lĩnh vực áp dụng; mô tả bản chất của sáng kiến, trong đó chỉ rõ những thông tin cần được bảo mật (nếu có);

+ Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến;

+ Những người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có);

+ Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã áp dụng sáng kiến (nếu có) và theo ý kiến của tác giả sáng kiến.

2.2. Tiếp nhận, xem xét đơn yêu cầu công nhận sáng kiến

Việc tiếp nhận, xem xét đơn yêu cầu công nhận sáng kiến theo Điều 6 Điều lệ Sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP như sau:

- Cơ sở được yêu cầu công nhận sáng kiến theo quy định có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, hỗ trợ tác giả sáng kiến hoàn thiện đơn và có trách nhiệm xét công nhận sáng kiến theo quy định tại Điều lệ Sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP.

- Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, cơ sở có trách nhiệm xem xét đơn về nội dung và thực hiện các thủ tục sau đây:

+ Thông báo cho tác giả sáng kiến về thiếu sót của đơn và ấn định thời hạn 01 tháng để tác giả sửa chữa bổ sung, gửi lại;

+ Thông báo cho tác giả sáng kiến về việc chấp nhận đơn, ghi nhận các thông tin liên quan của đơn và lưu giữ hồ sơ đơn phù hợp với quy định;

+ Thông báo cho tác giả rõ lý do nếu từ chối chấp nhận đơn.

2.3. Xét công nhận sáng kiến

Việc xét công nhận sáng chế theo Điều 7 Điều lệ Sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP quy định như sau:

- Việc xét công nhận sáng kiến được thực hiện trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến theo quy định hoặc từ ngày hoàn thành việc áp dụng lần đầu, nếu sáng kiến được áp dụng lần đầu sau khi đơn được chấp nhận. 

Cơ sở xét công nhận sáng kiến đánh giá đối tượng nêu trong đơn theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Điều lệ Sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP và thực hiện các thủ tục sau đây:

+ Công nhận sáng kiến và cấp Giấy chứng nhận sáng kiến cho tác giả sáng kiến, trừ trường hợp từ chối công nhận sáng kiến trong trường hợp đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng các điều kiện quy định;

+ Từ chối công nhận sáng kiến trong trường hợp đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3 và Điều 4  Điều lệ Sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP và thông báo bằng văn bản cho tác giả sáng kiến, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

- Giấy chứng nhận sáng kiến phải có các thông tin sau đây:

+ Tên cơ sở công nhận sáng kiến;

+ Tên sáng kiến được công nhận;

+ Tác giả sáng kiến hoặc các đồng tác giả sáng kiến;

+ Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến;

+ Tóm tắt nội dung sáng kiến; lợi ích kinh tế - xã hội có thể thu được do việc áp dụng sáng kiến;

+ Những thông tin thích hợp khác do cơ sở công nhận sáng kiến quyết định.

- Việc xét công nhận sáng kiến do người đứng đầu cơ sở xét công nhận sáng kiến quyết định.

- Trường hợp sáng kiến được tạo ra do Nhà nước đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật, nếu người đứng đầu cơ sở công nhận sáng kiến chính là tác giả sáng kiến thì việc công nhận sáng kiến phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý theo quy định sau đây:

+ Trường hợp cơ sở xét công nhận sáng kiến là cơ quan, tổ chức của Nhà nước, việc công nhận sáng kiến phải được cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ sở đó chấp thuận;

+ Trường hợp cơ sở xét công nhận sáng kiến không phải là cơ quan, tổ chức của Nhà nước, việc công nhận sáng kiến phải được Sở Khoa học và Công nghệ tại địa phương nơi cơ sở đó đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức nhà nước trực tiếp thực hiện việc đầu tư tạo ra sáng kiến chấp thuận.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 59,131

Bài viết về

lĩnh vực khác

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn