Các hình thức phổ biến pháp luật cho công dân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
09/11/2022 08:33 AM

Hiện nay có những hình thức phổ biến pháp luật cho công dân nào? – Triệu Vy (Bình Định)

Các hình thức phổ biến pháp luật cho công dân

Các hình thức phổ biến pháp luật cho công dân

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nội dung phổ biến pháp luật cho công dân

Nội dung phổ biến pháp luật cho công dân được quy định tại Điều 10 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 bao gồm:

- Quy định của Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.

- Các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế.

- Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.

2. Các hình thức phổ biến pháp luật cho công dân

(1) Họp báo, thông cáo báo chí:

+ Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì phối hợp với Văn phòng Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức họp báo và ra thông cáo báo chí về luật, pháp lệnh, nghị quyết chứa đựng quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi Chủ tịch nước ký lệnh công bố.

+ Hằng tháng, Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo ra thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

+ Nội dung của thông cáo báo chí nêu rõ sự cần thiết, mục đích ban hành và nội dung chủ yếu của văn bản quy phạm pháp luật.

(2) Phổ biến pháp luật trực tiếp;

(3) Tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang xem xét, giải quyết vụ việc của công dân có trách nhiệm giải thích, cung cấp các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến vụ việc đang giải quyết hoặc hướng dẫn tìm kiếm, tra cứu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật khi công dân đó có yêu cầu.

- Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức tư vấn pháp luật, các tổ chức dịch vụ pháp lý khác, cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật thực hiện việc tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật miễn phí cho nhân dân.

(4) Cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.

(5) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động:

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, báo của các cơ quan bảo vệ pháp luật, báo và đài phát thanh, đài truyền hình cấp tỉnh xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục về pháp luật; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật để phổ biến các quy định của pháp luật, tình hình thi hành pháp luật và các thông tin khác về pháp luật.

(6) Đăng tải trên Công báo;

(7) Đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử:

- Các thông tin pháp luật sau đây phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

+ Văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức;

+ Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan ban hành hoặc do cơ quan, tổ chức phối hợp ban hành;

+ Các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức;

+ Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được công bố để lấy ý kiến theo quy định của pháp luật.

- Ngoài các thông tin trên, khuyến khích các cơ quan, tổ chức đăng tải trên trang thông tin điện tử các thông tin khác về hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật, hỏi - đáp pháp luật cần thiết cho người dân.

(8) Niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư.

(9) Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật.

(10) Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở:

- Tòa án nhân dân các cấp thông qua công tác xét xử tại trụ sở, lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa và nhân dân.

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tổ chức đối thoại với người dân để kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.

(11) Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở.

(12) Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

(13) Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả.

(Điều 10 đến Điều 16 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012)

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,371

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn