Thư chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Hình từ Internet)
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã có Thư chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2024 gửi đến các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể viên chức, người lao động trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc Bộ Tư pháp.
Sau đây là nội dung Thư chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của Bộ trưởng:
Hà Nội, ngày 18 ngày 11 năm 2024 THƯ CHÚC MỪNG Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024, thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi thân ái gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo, đội ngũ viên chức, người lao động đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc Bộ Tư pháp lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Trong thời gian qua, các thầy giáo, cô giáo, đội ngũ viên chức, người lao động đã không ngừng nỗ lực triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho Bộ, ngành Tư pháp nói riêng và cả nước nói chung. Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà các đồng chí đã đạt được trong thời gian qua. Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới trong phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển”. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đặt ra nhiều yêu cầu cao đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao. Trong bối cảnh đó, tôi đề nghị các Trường và Học viện cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; đổi mới tư duy, cách thức, phương pháp dạy và học, lấy người học làm trung tâm, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tôi tin tưởng và mong muốn các thầy giáo, cô giáo, đội ngũ viên chức và người lao động thuộc các cơ sở giáo dục, đào tạo của Bộ sẽ tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xứng đáng với kỳ vọng, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Kính chúc các thầy giáo, cô giáo, đội ngũ viên chức và người lao động cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công! Thân ái, (Ký tên) Nguyễn Hải Ninh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp |
Hình ảnh Thư chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp:
Giảng viên đại học sẽ có các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo, thực hiện đầy đủ, bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo.
- Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo.
- Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
- Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của giảng viên.
- Tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.
- Tham gia quản lý và giám sát cơ sở giáo dục đại học, tham gia công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác.
- Độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội; được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học mà mình đang làm việc.
- Được bổ nhiệm chức danh của giảng viên, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
- Nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(Điều 55 Luật Giáo dục đại học 2012, sửa đổi 2018)