Hệ thống tổ chức của Đảng theo Quy định 232 mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
08/02/2025 14:00 PM

Dưới đây là hệ thống tổ chức của Đảng theo Quy định 232 hướng dẫn Điều lệ Đảng mới nhất.

Hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam

Hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam (Hình từ internet)

Theo Điều 10 Điều lệ Đảng 2011 quy định hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước.

Tổ chức cơ sở đảng được lập tại đơn vị cơ sở hành chính, sự nghiệp, kinh tế hoặc công tác, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam theo quy định tại Chương VI. Việc lập tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Ngày 20/01/2025, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 232-QĐ/TW năm 2025 thi hành Điều lệ Đảng, trong đó có hướng dẫn về hệ thống tổ chức của Đảng.

Hệ thống tổ chức của Đảng theo Quy định 232 mới nhất

1. Hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước.

Hệ thống tổ chức của Đảng được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn; cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp Trung ương. Đây là hệ thống tổ chức cơ bản của Đảng có chức năng lãnh đạo toàn diện ở mỗi cấp và của toàn Đảng.

2. Tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam theo quy định của Bộ Chính trị.

3. Việc lập tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng.

3.1. Tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng là tổ chức đảng không phải là cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng do cấp ủy cấp trên trực tiếp của các tổ chức này (cụ thể là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và Trung ương) quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ; đảng ủy là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội của đảng bộ.

3.2. Việc lập tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội

- Ở cấp Trung ương: Lập Đảng bộ Quốc hội; Đảng bộ Chính phủ; Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bộ Chính trị quyết định thành lập và quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Đảng bộ Quốc hội; Đảng bộ Chính phủ; Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương trực thuộc Trung ương. Ban Tổ chức Trung ương giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý về hoạt động, hướng dẫn về tổ chức và biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của các đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Đảng ủy trực thuộc Trung ương quyết định thành lập các đảng bộ (chi bộ): Bộ, ngành quản lý nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam); các tổ chức hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số hội chính trị - xã hội có quy mô lớn, có vị trí quan trọng theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư) sau khi Ban Tổ chức Trung ương có ý kiến thống nhất bằng văn bản; nhân sự đảng ủy (chi bộ) do cơ quan có thẩm quyền quyết định theo phân cấp quản lý cán bộ.

Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội quyết định thành lập, xác định chức năng, nhiệm vụ và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của tổ đảng ở đoàn đại biểu Quốc hội (hoạt động tại các kỳ họp của Quốc hội).

- Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Lập đảng bộ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quyết định thành lập và quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng bộ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương theo quy định của Ban Bí thư.

3.3. Lập Đảng bộ các cơ quan Đảng

- Ở cấp Trung ương: Lập Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bộ Chính trị quyết định thành lập và quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương trực thuộc Trung ương. Ban Tổ chức Trung ương giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý về hoạt động, hướng dẫn về tổ chức và biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương.

Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương quyết định thành lập các Đảng bộ: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định của Ban Bí thư.

- Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Lập đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh, thành phố trực thuộc ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quyết định thành lập và quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương theo quy định của Ban Bí thư.

Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh, thành phố lập các đảng bộ (chi bộ) cơ sở: Hội đồng nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội (hội liên hiệp phụ nữ, liên đoàn lao động, hội cựu chiến binh, hội nông dân), các hội quần chúng cấp tỉnh do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (sau khi ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy có ý kiến thống nhất bằng văn bản); nhân sự đảng ủy (chi bộ) do cơ quan có thẩm quyền quyết định theo phân cấp quản lý cán bộ.

Không lập đảng bộ khối cấp cơ sở.

3.4. Các tổ chức cơ sở đảng lớn (có đông đảng viên, có nhiều chi bộ trực thuộc), có vị trí quan trọng (về một trong các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng) có thể đặt trực thuộc đảng ủy trực thuộc Trung ương.

3.5. Điều kiện để lập đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng ở những nơi có đặc điểm riêng:

- Cấp trên trực tiếp của đảng bộ được thành lập là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

- Có những đơn vị thành viên là tổ chức có tư cách pháp nhân.

- Có các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc.

- Đảng bộ có từ 500 đảng viên trở lên.

Việc thành lập đảng bộ cấp trên trực tiếp tổ chức cơ sở đảng ở những nơi có đặc điểm riêng do tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương quyết định. Đối với những nơi đặc thù, có yêu cầu lập đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng khác với quy định này phải được sự đồng ý của Ban Bí thư.

4. Việc giải thể đảng bộ, chi bộ.

4.1. Chỉ giải thể một đảng bộ, chi bộ khi đảng bộ, chi bộ đó đã làm xong nhiệm vụ hoặc không còn phù hợp về mặt tổ chức.

4.2. Cấp ủy nào có thẩm quyền quyết định thành lập thì cấp ủy đó có thẩm quyền ra quyết định giải thể và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp.

5. Điều kiện để đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở.

5.1. Chỉ giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang (mà cấp trên trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương) khi có đủ các điều kiện sau đây: Có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nhiều đơn vị thành viên là tổ chức cơ sở trong cùng một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; có số lượng từ 400 đảng viên trở lên. Đối với đảng bộ trong các ban, bộ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, đảng ủy trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh có thể ít hơn nhưng ít nhất từ 200 đảng viên trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Bí thư xem xét, quyết định.

5.2. Sau khi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương quyết định việc giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở. Đảng bộ mà đảng ủy được giao quyền cấp trên cơ sở có chức năng, nhiệm vụ như chức năng, nhiệm vụ của loại hình cơ sở đó. Căn cứ tình hình cụ thể, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương có thể giao thêm cho đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở một số quyền sau:

- Được lập các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc: Ban tổ chức, ban tuyên giáo và dân vận, cơ quan Ủy ban kiểm tra, văn phòng đảng ủy.

- Ban thường vụ đảng ủy được quyết định kết nạp, khai trừ đảng viên, khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên, phát thẻ đảng viên, chuyển sinh hoạt cho tổ chức đảng và đảng viên trực tiếp đến các đảng bộ cấp trên cơ sở.

- Được quản lý hồ sơ, dữ liệu đảng viên.

- Ban thường vụ đảng ủy mỗi tháng họp một lần, đảng ủy họp thường lệ 3 tháng một lần, họp bất thường khi cần.

- Việc thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, thực hiện theo quy định của Ban Bí thư và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Sau khi giao quyền, cấp ủy cấp trên trực tiếp phải thường xuyên kiểm tra, giám sát nếu thấy đảng ủy cơ sở được giao quyền không thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo quy định thì cấp ủy có thẩm quyền xem xét, thu hồi quyết định đã giao quyền.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Đảng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]