Hợp đồng bảo hiểm con người và 4 điều nên biết

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
24/09/2022 13:51 PM

Tôi muốn biết đối tượng nào thuộc hợp đồng bảo hiểm con người? Căn cứ trả tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm con người được quy định ra sao? - Minh Hiếu (Tây Ninh)

Hợp đồng bảo hiểm con người và 4 điều nên biết

Hợp đồng bảo hiểm con người và 4 điều nên biết

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là hợp đồng bảo hiểm con người?

Hợp đồng bảo hiểm con người là hợp đồng thuộc một trong các loại hợp đồng bảo hiểm.

Cụ thể theo khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010), hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Do đó, hợp đồng bảo hiểm con người là hợp đồng bảo hiểm cho tính mạng, tình trạng sức khoẻ và những sự kiện có liên quan đến tuổi thọ của con người. 

2. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người

Theo khoản 1 Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010), đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và tai nạn con người.

Cụ thể, bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau đây:

- Bản thân bên mua bảo hiểm;

- Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm;

- Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng;

- Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

(Khoản 2 Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010))

3. Căn cứ trả tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm con người

Số tiền bảo hiểm hoặc phương thức xác định số tiền bảo hiểm được bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong đó, căn cứ trả tiền bảo hiểm tai nạn, sức khoẻ con người trong hợp đồng được quy định tại Điều 33 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010) như sau:

- Đối với bảo hiểm tai nạn con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào thương tật thực tế của người được bảo hiểm và thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

- Đối với bảo hiểm sức khỏe con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ của người được bảo hiểm do bệnh tật hoặc tai nạn gây ra và thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

4. Các trường hợp không trả tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm con người

Cụ thể tại khoản 1 Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010), doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:

- Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực;

- Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng;

- Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.

Ngoài ra, trong trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010), doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan; nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,284

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]