04 điều cần biết khi thuê trọ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
17/09/2022 16:32 PM

Em là tân sinh viên sắp thuê trọ để học đại học. Xin hỏi là khi thuê trọ thì cần lưu ý những gì? - Thùy Vi (Thanh Hóa)

04 điều cần biết khi thuê trọ

04 điều cần biết khi thuê trọ

Em là tân sinh viên sắp thuê trọ để học đại học. Xin hỏi là khi thuê trọ thì cần lưu ý những gì? - Thùy Vi (Thanh Hóa)

1. Hình thức hợp đồng thuê trọ

Căn cứ Điều 121 Luật Nhà ở 2014 quy định về hợp đồng về nhà ở như sau:

Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:

- Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

- Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu;

- Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;

- Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;

- Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên;

- Cam kết của các bên;

- Các thỏa thuận khác;

- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

- Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

>>>Tải Mẫu hợp đồng thuê trọ

Hợp đồng thuê trọ

2. Hợp đồng thuê trọ không bắt buộc công chứng, chứng thực

Tại khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở như sau:

- Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương;

- Mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

- Mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư;

- Góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức;

- Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận;

Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

Như vậy, hợp đồng cho thuê trọ không bắt buộc phải thực hiện công chứng, chứng thực.

3. Trách nhiệm đăng ký tạm trú khi thuê trọ

Căn cứ Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:

- Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú;

- Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần;

- Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 Luật Cư trú 2020.

Như vậy, trách nhiệm đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của người thuê trọ, tuy nhiên thông thường khi đăng ký thuê trọ người cho thuê sẽ hỗ trợ thực hiện việc đăng ký tạm trú.

4. Quy định về việc đặt cọc khi thuê trọ

4.1. Đặt cọc thuê trọ là gì?

Theo khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đặt cọc như sau:

Đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm việc thực hiện việc thuê.

4.2. Quy định về việc trả cọc, mất cọc thuê trọ

Theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc trả, mất cọc thuê trọ như sau:

Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền;

Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc;

Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Ví dụ: Trường hợp A thuê trọ của B và đặt cọc 1 triệu đồng thì:

- Trường hợp ký kết hợp đồng: 1 triệu đồng đặt cọc sẽ được trả lại hoặc trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền trọ;

- Trường hợp người thuê từ chối việc ký hợp đồng thuê trọ thì sẽ mất 01 triệu đồng tiền cọc;

- Trường hợp người cho thuê từ chối việc ký hợp đồng thuê trọ thì phải trả 01 triệu đồng tiền cọc và trả 01 khoản tiền tương đương tiền cọc là 01 triệu đồng

Lưu ý: Trường hợp hai bên có thỏa thuận khác thì thực hiện theo thỏa thuận.

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,827

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn